23h đêm 1/7, khắp nội thành Hà Nội nóng bức ngột ngạt. Dù tắt nắng nhiều giờ, hơi nóng vẫn phả hầm hập từ mặt đường, khu vực nhà cao tầng ít cây xanh.
Đến 0h, nhiệt độ ngoài trời ghi nhận ở mức 33-34 độ C. Tuy nhiên, cảm giác thực còn cao hơn vài độ C do độ ẩm thấp, trời đứng gió cộng thêm hiệu ứng đô thị.
Theo ghi nhận, mức 34 độ C lúc nửa đêm ở thủ đô bằng với nhiệt độ tại TP HCM lúc 12h trưa 1/7. Song, thời tiết ở TP HCM dễ chịu hơn hẳn do độ ẩm cao.
Nhiệt độ nội thành Hà Nội lúc 23h11 ngày 1/7. |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, ngày 1/7, nắng nóng gay gắt trên diện rộng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ. Riêng tại Hà Nội, có tới 3 trạm đo ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C, gồm Sơn Tây, Láng, Hà Đông. Ngay cả nơi vốn nổi tiếng mát mẻ như dãy Ba Vì, trời nóng tới 39,9 độ C.
Ngoài ra, toàn miền Bắc và Bắc Trung Bộ, trong ngày, 16 trạm khí tượng ghi nhận ngưỡng trên 40 độ C như Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Con Cuông (Nghệ An)... Như vậy, nền nhiệt độ tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tăng thêm 1-2 độ C so với ngày 30/6.
Thời tiết nóng nực khiến nhiều sĩ tử khó chịu. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thời gian xuất hiện nhiệt độ cao nhất vào giữa trưa, do đó các thí sinh cùng người nhà khi làm thủ tục dự thi nên chú ý mang quần áo, mũ nón và vật dụng chống nóng.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, nguyên nhân của đợt nắng nóng là hoạt động của áp thấp nóng phía tây phát triển mạnh.
"Do nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm chỉ vài độ C nên buổi tối người dân ra đường vẫn cảm thấy bỏng rát, khi đi ngủ cảm thấy oi bức, khó chịu" - ông Hải cho biết.
Dự báo trong ngày 2-3/7, khu vực Bắc Bộ tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C. Vùng đồng bằng và trung du nắng gay gắt, 38-40 độ C.
Khu vực Trung Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C; Bắc Trung Bộ 38-40 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến không có nắng nóng trong 10 ngày tới.
Nhiệt độ cao nhất trong ngày 1/7 đo được tại một số điểm nắng nóng gay gắt. Ảnh: NHCMF. |