Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Lê: 'Rap Việt cần nhiều hơn một Đen Vâu'

Rapper Hà Lê cho rằng Đen thành công vì mang màu sắc âm nhạc riêng, với những kỹ thuật của thơ ca. Nhưng không phải vì thế mà mong chờ thế hệ rapper hiện nay sẽ như Đen.

Rap đang mang một diện mạo rất khác ở thị trường nhạc Việt hiện nay, thậm chí trở nên đại chúng hơn bao giờ hết với không ít gương mặt nổi bật. Zing có cuộc trò chuyện với Hà Lê - một trong rapper đình đám một thuở - về những thay đổi của thể loại âm nhạc này qua thời gian.

the he nhac rap cua Den Vau anh 1

Hà Lê sinh năm 1984 là nghệ sĩ thứ 2 ở Việt Nam xuất hiện trên tạp chí âm nhạc Billboard của Mỹ.

"Rap Việt đang rất Tây nhưng vẫn có đặc trưng của Việt Nam"

- Không còn chỉ là vùng khán giả riêng biệt, rap Việt được cho là đang ngày càng đại chúng hơn với những cái tên như Đạt G, Khói, Karik và đặc biệt là Đen Vâu. Nhưng khi không ít gương mặt đang trỗi dậy, thế hệ rapper đi trước như anh hay LK lại “đi đâu mất tiêu”, hoặc chuyển hướng âm nhạc. Vì sao vậy?

- Rap, bao giờ cũng là nền tảng của tôi. Và sự thật là tôi chưa từng và sẽ không bao giờ rời bỏ rap. Tôi có làm gì thì văn hóa hip-hop ấy, nhịp điệu của rap vẫn như máu trong cơ thể. Rap vẫn là một trách nhiệm mà tôi sẽ có theo đuổi, còn nhiều việc phải làm.

Nhưng để xuất hiện trước đám đông, để trình diễn những sáng tác nhạc rap mới nhất thì Đen Vâu, Đạt G hay nhiều bạn khác sẽ làm công việc đó. Đó là thế hệ của hiện tại.

Tôi hay LK sẽ cố gắng trong những mảng hoạt động khác và vẫn luôn ủng hộ cho rap, ủng hộ một thế hệ mới. Đó đang và sẽ là một thế hệ đưa rap trở gắn bó mật thiết với văn hóa Việt Nam mà vẫn giữ được tinh thần, sứ mệnh của văn hóa hip-hop.

- Anh cảm nhận như thế nào về thế hệ rapper hiện nay, với những cái tên kể trên mà anh cũng đồng tình?

- Các em ấy chất hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm. Các em đã tiệm cận được tư duy và phong cách nhạc rap của thế giới. Và tiếng Việt trong rap hiện nay đã không còn là trở ngại.

Rap Việt Nam hiện tại rất Tây nhưng vẫn có “voice” (giọng) của Việt Nam. Đặc biệt vấn đề gieo vần đang làm rất tốt với những kỹ thuật khó hơn của rap.

Rõ ràng sau nhiều năm, các rapper đã học hỏi lẫn nhau để hoàn thiện màu sắc rap Việt. Tôi hy vọng các rapper trẻ sẽ thực hiện sản phẩm nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc.

Tôi có thể nhận diện được những nhân vật nổi trội mà rap Việt đang có nhưng quan trọng nhất vẫn là đường dài. 2-3 năm nổi lên cũng tốt nhưng đi lâu trên con đường này lại là câu chuyện khác.

- Trong thế hệ rapper hiện nay, Đen Vâu vẫn được coi là gương mặt nổi bật, đại chúng và thành công nhất. Trong giới rapper, Đen Vâu có thể được định danh như thế nào?

- Trước hết phải nói về văn hóa rap. Đó là một văn hóa âm nhạc chứa đựng nhiều phong cách khác nhau trong một nền tảng xuất phát điểm là nói về các vấn đề xã hội. Đó chính là đặc trưng của rap, là lý do vì sao rap ra đời.

Cho nên nói về rap là nói về những vấn đề cuộc sống, về tinh thần tự do. Rap, do vậy, đôi khi chỉ cần là những lời lẽ thật nhất, đơn giản nhất. Đen Vâu có cái thật như vậy, nếu Đen Vâu không thật thì rất khó được yêu thích như vậy. Câu chuyện âm nhạc của Đen Vâu cũng là cuộc sống của Đen Vâu. Và đó cũng là tinh thần của rap.

Ngoài ra Đen Vâu làm được một điều là âm nhạc của Đen rất phù hợp với văn hóa Việt Nam, những lời ca có ý nghĩa, chiều sâu và không nói bậy, chửi tục. Đen cũng dùng nhiều kỹ thuật của thơ ca, làm cho bài rap gần gũi hơn với người Việt.

- Khi Da LAB rap những ca từ đẹp, nhiều người từng cho rằng đó là “rap nước ngọt”, chẳng đúng nghĩa là rap. Nhưng với Đen Vâu, số đông lại công nhận, thậm chí coi là gương mặt đại diện của rap hiện nay. Ở góc độ của một rapper, anh nghĩ sao về sự thay đổi này?

- Nếu nói đúng ra Đen Vâu cũng chỉ là một mảng của văn hóa hip-hop, không thể là gương mặt đại diện cho trào lưu của cả một thế hệ. Có rapper như Đen Vâu, và cũng có rapper với những ca khúc kết hợp với funky khiến người ta nhún nhảy.

Cũng có người rap về tình yêu như Đen Vâu, như Đạt G nhưng cũng có những người rap theo cách ngầu, chất kiểu khác.

Không thể nói Đen Vâu mới rapper của thế hệ này, còn Binz không phải rapper của bây giờ. Không phải như vậy, tất cả đều là rapper nhưng phụ thuộc vào màu sắc họ lựa chọn.

Ngoài Đen Vâu, tôi biết thế hệ bây giờ cũng còn nhiều bạn hay lắm nhưng có thể về tuổi nghề, tuổi đời, độ chín, sự từng trải thì chưa đạt đến được.

Thị trường underground Việt còn nhiều tài năng. Âm nhạc hip-hop còn hàng trăm rapper đang sôi nổi hoạt động. Và hàng trăm rapper mà giống hệt như Đen Vâu thì không ổn.

Nếu bạn trẻ nào đang yêu rap mà muốn thành như Đen Vâu vì Đen Vâu đang thành công thì tôi khuyên là không nên. Rap không thể giống ai, mỗi người phải là một màu sắc.

Đen chỉ hay với Đen, còn đi sâu vào rap, rap không êm ả như vậy, văn hóa rap không bao giờ êm ả.

"Rapper giờ đã có cát-xê nghìn USD rồi"

- “Rap bây giờ ‘ngoan’ hơn”, anh thấy nhận định ấy đúng không?

- Rap bây giờ không chỉ là rap đơn độc nữa vì rap và âm nhạc đại chúng gắn liền với nhau. Ngày xưa, người da màu sinh ra rap trong môi trường rất phức tạp. Do vậy, thời kỳ đầu của rap rất bạo lực và tiêu cực. Rapper thậm chí còn nằm trong những băng đảng, xã hội đen.

Thế hệ khán giả đầu tiên của rap cũng là những người sống trong môi trường như vậy, hoàn cảnh như vậy. Hồi đấy, người học thức, sang trọng, thành phố không thích nổi rap đâu, không hiểu được rap đâu.

Nhưng dần dần chính người da màu đã đưa rap kết hợp với màu của R&B cho mềm mại vì rap vốn căng thẳng quá. Và sau đó, văn hóa hip-hop, văn hóa rap đã trở nên đại chúng hơn, hình thành nhiều phong cách. Rapper giờ đã trở thành công việc có cát-xê hàng nghìn USD rồi.

- Nhưng cũng vì những “cát-xê nghìn USD” như vậy mà những tín đồ bảo thủ của rap cho rằng rapper giờ không còn “chất” như xưa?

- Cũng phải kiếm tiền thôi, câu chuyện về underground hay mainstream phải đặt vào bối cảnh âm nhạc bây giờ. Tôi nói như trường hợp của Đen Vâu. Đen thành công vì âm nhạc như vậy, bản chất vẫn là rap, còn tại sao rap như Đen lại kiếm được tiền thì nó phải đến từ khả năng thực sự.

Đen cũng như nhiều rapper hiện nay đã chấp nhận cuộc chơi của cả một hệ thống âm nhạc.

Không thể bắt thế hệ của Đen cũng đi theo hướng như xưa, như LK hay tôi. Hoạt động underground rất hay nhưng ai cũng cần tìm kiếm cơ hội để xây dựng sự nghiệp. Tôi cũng không ngoại lệ.

- Anh không ngoại lệ nhưng khi anh chuyển sang dự án làm mới nhạc Trịnh từ đầu năm 2019, cũng đã có những fan của rap than rằng… anh đi xa quá. Khán giả yêu rap thật không dễ để quen với rapper Hà Lê hát nhạc Trịnh?

- Tôi biết điều ấy. Nhưng là một nghệ sĩ thì mình vẫn luôn phải phát triển mình, hoàn thiện mình hơn. Tôi tin rằng, với khán giả thực sự của tôi, ngay cả khi tôi hát nhạc gì, khán giả cũng hiểu được cá tính âm nhạc mà tôi vẫn luôn theo đuổi, từ những ngày đầu tiên đến bây giờ.

Tôi chỉ có thể trấn an các bạn như vậy. Còn hát nhạc Trịnh đâu có nghĩa là sức cháy của tôi giảm đi. Đứng trên sân khấu rap, tôi vẫn là tôi.

the he nhac rap cua Den Vau anh 4

Nam rapper cho rằng vấn đề cover cũng cần được phân định thay vì bị đánh đồng là "lười biếng".

"Nếu có nhiều yếu tố sáng tạo, không thể gọi là cover"

- Chuyện cover nhạc Việt gần đây nhận nhiều bàn luận. Nhiều ý kiến cho rằng cover là kế thừa âm nhạc của thế hệ đi trước nhưng cũng không ít quan điểm phản bác chuyện cover, cho là lười biếng. Anh nói sao?

- Thực ra cover cũng cần được phân định thay vì bị đánh đồng là "lười biếng". Nếu chỉ là hát lại với giai điệu y như vậy thì đó là cover. Nhưng nếu hòa thanh mới, phối mới, tức làm mới thì cũng có người gọi là reproduce (tái sản xuất).

Ở trường hợp của tôi, tôi thay đổi vòng hòa thanh của nhạc Trịnh, cách làm rất khác, do vậy, tôi gọi là “remake”, dù từ này phổ biến ở điện ảnh hơn âm nhạc.

Nếu trên giai điệu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi làm acoustic đơn giản, không thay đổi vòng hòa thanh thì gọi là cover nhưng khi đưa những sáng tạo riêng vào, gọi cover là không hợp.

- Khái niệm của anh tương đối mới. Vậy, trường hợp như của ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng có phối lại, với những dự án, chuyên nghiệp nhưng bản chất giai điệu vẫn giữ thì có được gọi là cover?

- Trường hợp của anh Hà Anh Tuấn là đã làm mới các ca khúc cũ, với ý tưởng riêng, concept riêng thì tôi nghĩ không hẳn là cover đơn thuần. Anh Tuấn còn làm những đêm nhạc riêng, nghĩa là những dự án rất bài bản.

Tất nhiên, khái niệm cũng chỉ đúng phần nào, tùy vào quan sát và cảm nhận của mỗi người. Cover thì người ta hỏi có hay hơn hay không, còn “remake” là có sáng tạo hơn hay không.

- Nhưng ranh giới giữa sáng tạo và “phá” bài cũng rất mong manh. Cũng từng có ý kiến nhận định anh đã thay đổi quá đà giai điệu của nhạc Trịnh, mà fan nhạc Trịnh vốn rất khó chấp nhận những phá cách quá lớn?

- Nhiều người vẫn nghĩ nhạc Trịnh là “bất khả xâm phạm”, nhưng thực ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng dành cho cả một thế hệ trẻ với rất nhiều cởi mở. Sau nhiều năm, giá trị ấy vẫn còn phát triển.

Đúng, làm mới nhạc Trịnh là mạo hiểm, tôi đồng tình. Nhưng trong âm nhạc, đôi khi mình phải chấp nhận mạo hiểm. Và, may mắn, gia đình nhạc Trịnh Công Sơn đã hết sức động viên và ủng hộ tôi.

Cover bùng nổ ở nhạc Việt: Kế thừa hay ‘há miệng chờ sung'?

Cover đã trở thành một thực tế của đời sống âm nhạc. Nhiều ý kiến cho rằng đó là cách giúp các bản hit lan tỏa hơn nhưng cũng có quan điểm không đồng thuận.

Đạt G: ‘Tôi hiếm có bữa cơm cùng ba mẹ’

Đạt G cho biết anh viết ca khúc mới “Gói xôi vội” sau khi bất chợt thấy tóc ba, mẹ mình đã thay màu.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm