Đài tưởng niệm Nô lệ Quốc gia ở Oosterpark, Amsterdam. Ảnh: Deborah Nicholls-Lee/Dutch News. |
Nhiều người dự đoán đây sẽ là lời xin lỗi cho 250 năm người Hà Lan bóc lột hơn 600.000 người từ châu Phi và châu Á. Khoảng 5% trong số 12 triệu người của hai châu lục này bị bắt làm nô lệ ở châu Âu thế kỷ 17 đến thế kỷ XIX, Guardian đưa tin hôm 4/12.
Theo đài truyền hình NOS, lời xin lỗi quốc gia sẽ bao gồm các dự án trị giá 200 triệu euro cho các hoạt động nâng cao nhận thức và 27 triệu euro cho một bảo tàng nô lệ.
Thông tin được đưa ra khi áp lực đang gia tăng đối với hành động của chính phủ.
Vào tháng 10, đa số thành viên nghị viện ủng hộ việc đưa ra lời xin lỗi chính thức sau khi một nhóm công tác báo cáo về chuyến đi nghiên cứu tới Suriname, Curaçao và Bonaire.
Trong 18 tháng qua, thị trưởng của Amsterdam, Rotterdam, Utrecht và Den Haag, cũng như ban quản lý của Ngân hàng De Nederlandsche, đã xin lỗi về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức của họ trong chế độ nô lệ.
Don Ceder, một nghị sĩ của đảng ChristenUnie tham gia chuyến đi, là người ủng hộ hàng đầu.
Ông nói: “Một lời xin lỗi rất quan trọng đối với Hà Lan với tư cách là một xã hội nỗ lực chống lại sự chia rẽ và phân cực trong xã hội đa văn hóa. Chuyến thăm gần đây của tôi đã cho tôi thấy việc buôn bán nô lệ và nền kinh tế được xây dựng ở các thuộc địa cũ vẫn ảnh hưởng đến các quốc gia này cho đến ngày nay”.
Nghiên cứu cho thấy 70% cộng đồng người gốc Phi ở Hà Lan, coi lời xin lỗi là điều quan trọng. Ông Ceder cho rằng “việc chính phủ Hà Lan đến nay vẫn chưa xin lỗi đã gây ra nhiều xáo trộn cho sự hòa giải”.