Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Giang: 3 người chết vì mưa lũ, thiệt hại đã gần 20 tỷ đồng

Đến chiều 10/6, tỉnh Hà Giang đã có 3 người chết do mưa lũ (hai người ở huyện Hoàng Su Phì và một người ở Quản Bạ), thiệt hại ban đầu về tài sản ước tính khoảng 19,5 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, trên địa bàn vừa có thêm một nạn nhân chết do mưa lũ.

Ha Giang anh 1

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang hỗ trợ di chuyển người và tài sản bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Nguyễn Lân/TTXVN phát.

Như vậy, đến chiều 10/6, địa phương đã có 3 nạn nhân chết do mưa lũ, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 19,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ ngày 9 đến chiều 10/6, hai người bị lũ cuốn trôi là Lý Chàn Họ (sinh năm 1997) là bố và con là Lý Hưng Thịnh (sinh năm 2021) trú tại thôn Tân Thượng (xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì).

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của hai bố con.

Ngoài ra, tại huyện Quản Bạ, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở taluy dương khiến bà Lò Thị Cho (sinh năm 1982) trú tại thôn Na Cho Cai (xã Nghĩa Thuận) tử vong.

Mưa lớn kéo dài suốt trong đêm 9 và sáng 10/6 khiến các địa phương của tỉnh Hà Giang thiệt hại nặng nề về tài sản. Cụ thể, tại thành phố Hà Giang, theo thống kê sơ bộ có 39 điểm ngập úng cục bộ khiến trên 350 ngôi nhà bị hư hỏng.

Tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên, hàng chục ngôi nhà bị ngập nước, nhiều nhà bị sập hoàn toàn.

Ha Giang anh 2

Ngập lụt diện rộng tại nhiều nơi ở Hà Giang. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN.

Mưa lớn kéo dài nhiều giờ cũng thiệt hại không nhỏ về nông nghiệp. Cụ thể, tại thành phố Hà Giang và các địa phương, mưa to, ngập úng khiến hàng chục ha hoa màu các loại bị hư hỏng nặng. Nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc bị hư hỏng, gần 50 con gia cầm bị chết.

Tại các xã Thuận Hòa và Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), 2 cây cầu treo bị lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bị tắc cục bộ chưa thể qua lại.

Tuyến đường từ huyện Mèo Vạc đi các xã biên giới và tuyến đường từ huyện xuống sông Nho Quế hàng trăm m3 đất, đá sạt lở tràn xuống lòng đường. Tuyến đường tỉnh lộ 177 đường từ huyện Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, mưa lớn nhiều giờ khiến sạt hàng nghìn m3 đất taluy dương làm ách tắc một số đoạn thuộc địa phận các xã: Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên, Nam Sơn, Hồ Thầu, Bản Luốc, Nàng Đôn, Bản Phùng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn…

Ngoài ra, trên 130 phương tiện xe ôtô và xe máy ở thành phố Hà Giang bị ngập chìm trong nước... Tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 19,5 tỷ đồng.

Ha Giang anh 3

Một đoạn đường đi qua xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc bị ngập sâu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi... giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ sử dụng các phương tiện như: xe đặc chủng, xuồng máy, xuồng cao su cùng các phương tiện khác để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại các điểm ngập sâu trong thành phố; khẩn trương giúp đỡ hàng nghìn lượt người dân di chuyển qua vùng bị ngập và di dời tài sản đến nơi an toàn.

Tính đến chiều 10/6, lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang đã giảm, mực nước trên sông Lô đã xuống. Các khu vực úng ngập, nước cũng đã thoát dần nhưng để lại hậu quả nặng nề.

Cùng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống; tổ chức người dân ở vùng có nguy cơ cao, đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở những điểm xung yếu, ưu tiên số một là bảo đảm an toàn về người; đồng thời di dời khẩn cấp người dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất; hỗ trợ, hướng dẫn người dân đi qua các điểm xung yếu, sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông trên các vùng có mưa lũ, sạt lở đất.

Tại thành phố Hà Giang, đối với những khu vực nước rút hết, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động trên 500 cán bộ chiến sỹ cùng các phương tiện cứu hộ khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Hà Giang chìm trong biển nước

Từ tối 9/6 đến sáng 10/6, mưa không ngớt, nước lũ dâng cao tại tỉnh Hà Giang khiến hai bố con ở huyện Hoàng Su Phì bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường sạt lở, ngập úng.

Sạt lở sau mưa lớn, du khách mắc kẹt tại đường xuống sông Nho Quế

Mưa lũ kéo dài khiến tuyến đường lên sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) bị sạt lở, nhiều người dân và du khách mắc kẹt, không thể di chuyển.

Xe khách 43 chỗ nhồi nhét 90 người

Ôtô BKS 23F-000.55 tuyến Hải Phòng - Hà Giang nhồi nhét 90 khách trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và đón khách không đúng nơi quy định.

Sách hay về môi trường

How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến ​​thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.

We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.

https://www.vietnamplus.vn/ha-giang-mua-lu-khien-3-nguoi-chet-thiet-hai-len-den-gan-20-ty-dong-post958331.vnp

Minh Tâm - Quốc Hoàn/Vietnam+

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm