Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Đức Chinh, bản sao lý thú của Phan Thanh Bình

Ngoại hình khá tương đồng, biệt danh cũng na ná, lối chơi giống nhau và có chỗ đứng từ khi còn trẻ, đó là những điểm chung đáng ngạc nhiên giữa Đức Chinh và cựu tiền đạo Thanh Bình

Phan Thanh Bình bây giờ đã giải nghệ, từng bước dấn thân vào showbiz, nhưng ấn tượng đọng lại về anh chàng “Hai lúa” Tháp Mười này không gì khác, vẫn là sân cỏ. Ở đó, anh là “thần đồng” một thuở, là con cưng của rất nhiều HLV, và là cái tên luôn được nhắc đến như cặp bài trùng với Văn Quyến.

Còn một kỷ niệm khác, vị trí của Thanh Bình cũng chính là nỗi khát khao tưởng chừng không bao giờ chạm tới được của Công Vinh, khiến ngôi sao xứ Nghệ từng ví von “phải đập đầu vào tường vì tuyệt vọng”.

Phan Thanh Bình dự SEA Games 22 khi anh, trên giấy tờ, mới chỉ 17 tuổi. Dĩ nhiên, nhìn gương mặt già dặn và cách chơi bóng chững chạc của anh, giấy khai sinh chỉ là một tiêu chí để… tham khảo. Vào thời điểm đó, Bình đã là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League 2003 và ngay sau đấy được gọi lên tuyển quốc gia.

Ha Duc Chinh anh 1
Hà Đức Chinh có phong cách thi đấu khá giống với cựu tiền đạo Phan Thanh Bình. Ảnh: Tiến Tuấn.

Hà Đức Chinh cũng thuộc diện già trước tuổi. Ở những vùng miền khác nhau (Chinh quê trung du Phú Thọ), nhưng “giao diện” của anh khá giống Thanh Bình. Có một vẻ gì đó khắc khổ, vất vả nhưng hiền lành, chân chất và nhân tướng ấy cũng đồng dạng với phong cách đá thật thà như đếm.

Lần đầu dự SEA Games, Đức Chinh 19 tuổi nhưng đã quá dạn dày trận mạc ở tầm quốc tế. Anh dự VCK U19 châu Á, dự World Cup U20, luôn được gọi khi U22, U23 tập trung và đến tuyển Việt Nam cũng nghiễm nhiên có suất.

Nhưng cả Thanh Bình lẫn Đức Chinh đều chưa từng được giới chuyên môn đánh giá là những tiền đạo có lối chơi kỹ thuật. Ưu điểm của cả hai là càn lướt tốt, băng cắt quyết liệt và dứt điểm một chạm. Mỗi bàn thắng mà họ ghi được thường đánh đổi bằng vài cơ hội bị bỏ qua. Và để nói về độ khéo thì Bình “củi” và Chinh “gỗ” là biệt danh đủ để toát lên tất cả, vừa tượng thanh lẫn tượng hình.

Thầy hiện tại của Đức Chinh là Lê Huỳnh Đức vẫn luôn chê cầu thủ này thô cứng, còn HLV Lê Thụy Hải khi chứng kiến Thanh Bình lốp bóng qua đầu thủ môn U20 Nhật Bản trên sân Mỹ Đình (Agribank Cup 2005) đã ngửa mặt mà rằng, liệu ông trời có mắt không… Đấy hình như là lần hiếm hoi Bình “củi” chơi một thứ bóng đá tinh tế đến… sững sờ.

Dù vậy, không thể phủ nhận Thanh Bình và Đức Chinh đều là những mẫu tiền đạo đầy giá trị ở thời của họ. Khi Thanh Bình “phát lộ”, bóng đá Việt Nam có được mảnh ghép còn thiếu bên cạnh Văn Quyến để chơi 4-4-2, dù lúc đó chúng ta không thiếu tiền đạo cắm dạng Phúc Lâm, Thanh Hoàn... HLV Alfred Riedl là người hiểu rõ nhất vai trò của anh chàng ong thợ miệt vườn.

Ha Duc Chinh anh 2
Thanh Bình là mẫu trung phong cắm điển hình. Ảnh: Getty Images.

Còn hiện tại, Đức Chinh là tiền đạo đúng nghĩa duy nhất của cả một nền bóng đá, chứ chẳng riêng gì U22 đang dự SEA Games. Sau khi Công Vinh giải nghệ, tất cả những cái tên sáng giá như Công Phượng, Văn Toàn đều không có được kỹ năng đá trung phong, trong khi các đàn anh Tuấn Tài, Lê Thanh Bình không thể khiến Hữu Thắng hài lòng.

Dường như Thanh Bình và Đức Chinh đang có những số phận tương đồng, khi họ sinh ra là để được “cắm” trên sân bóng. Chẳng có nhiều người mê đắm hay thần tượng họ, nhưng tất cả đều phải thừa nhận rằng nếu không có họ, đội bóng sẽ rất khó, thậm chí là không thể vận hành.

Ha Duc Chinh anh 3

Xuân Trường chỉ ra điểm yếu của U22 Việt Nam sau trận thắng Đông Timor

Tiền vệ cầm trịch lối chơi của U22 Việt Nam, Lương Xuân Trường không hài lòng với chiến thắng vì toàn đội có vài tình huống mất tập trung, chủ quan sau khi dẫn bàn.

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm