Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gửi những ký ức ngày hôm qua

Cuốn sách tập hợp những tản văn về tuổi học trò với ăm ắp kỷ niệm và không ít bâng khuâng, chơi vơi.

Nhóm tác giả Văn Học Trẻ gồm các bạn trẻ yêu văn chương và thích viết lách. Sau sự thành công của “cơn mưa rào tuổi trẻ” có tên gọi Tháng ngày có quay lại bao giờ, nhóm Văn Học Trẻ đã trở lại với Và cũng đủ lớn để mong bé lại. Cuốn sách được ví von như tấm vé thông hành, giúp người đọc quay ngược trở lại thời học trò hồn nhiên, trong sáng, lắm vui tươi nhưng không ít nỗi buồn và sự chơi vơi của tuổi mới lớn.

Nếu được hỏi, bạn muốn quay trở lại quãng thời gian nào nhất, chắc hẳn người ta thường đáp: thời học trò. Đó là khoảng thời gian dù có những âu lo vụn vặt, vất vả với những bài thi, nơm nớp mỗi khi chưa hoàn thành bài vở, nhưng vẫn có những tiếng cười, sự hồn nhiên và kỷ niệm trong trẻo mà mỗi khi nhớ lại, trong lòng lại dâng lên những cảm xúc bồi hồi.

Va cung du lon de mong be lai anh 1
Cuốn sách Và cũng đủ lớn để mong bé lại.

Và cũng đủ lớn để mong bé lại đã tiếp cận đề tài tuổi học trò theo cách ấy. Khác với những tuyển tập hay bộ phim về tuổi học trò, toàn bộ cuốn sách như những lá thư hồi ức gửi lại ngày hôm qua. Ở đó, những nỗi buồn đáng yêu được gói lại trong từng con chữ:

“Bọn mình biết làm gì với nỗi buồn của bọn mình đây?

Hay cất vào chậu cây rồi mỗi ngày tưới nước thật đầy

Hay phơi khô dưới mặt trời rồi làm mát bằng bóng cây

Tuổi trẻ của bọn mình không nên phí thế này

Vì mấy nỗi buồn

Con con.”

Ở đó, có những bí mật được “phân loại” chăt chẽ, là "bí mật vui và bí mật buồn. Ví dụ như trốn mẹ giấu thanh sôcôla dưới gối để ăn sau khi đánh răng là một bí mật vui. Còn việc đánh mất chiếc nhẫn bố mua tặng là một bí mật buồn. Sau này, khi lớn lên tôi chia bí mật thành hai loại khác: bí mật không thể nói ra và bí mật nên được nói ra. Những bí mật không thể nói, tôi giấu sâu vào trong tim, khóa chặt lại với ý nghĩ khi trái tim tôi ngừng đập thì chúng cũng sẽ chết theo cùng. Với loại còn lại, tôi giữ chúng trong khối óc, dùng lý trí để phân tích và dự đoán khi nào thì chúng nên được bày tỏ. Tôi đã làm điều này rất hoàn hảo, cho tới gần đây, có những bí mật mà tôi chẳng thể phân loại. Thì ra luôn có những thứ chẳng thể phân chia rõ ràng, dù bằng tình cảm hay lý trí. Chúng dường như nằm giữa điểm giao nhau của chiếc đồng hồ cát, mỗi khi tôi giao động, lại thay đổi thất thường, lúc chảy về đầu bên này lúc lại trượt dài về phía bên kia”.

Cuốn sách là nỗi chơi vơi khi không xác định được tình cảm của chính mình cho người khác. Là nỗi bâng khuâng khi nén lại tình cảm cho đến khi cả hai tới được cái đích ở tương lai. Là những câu chuyện tình cảm đậm chất học trò, không vụ lợi toan tính, đầy hồn nhiên và khó mà tẩy được trong ký ức.

Những câu chuyện được kể lại sống động trước mắt người đọc, như thể đó cũng là câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Sự gần gũi của những lá thư ngăn bàn, sự hồi hộp dành cho tình đầu, sự nuối tiếc về những điều đã qua tựa như cát trên tay, hay những ước vọng và khát khao phấn đấu cho cuộc sống phía trước - mà ai cũng đã từng một lần như vậy trong đời.

Và cũng đủ lớn để mong bé lại gửi tới những người đang và đã đi qua quãng đời học trò một tin nhắn: “Tuổi trẻ, thời gian và những gì đã từng diễn ra khi bạn mười bảy tuổi có thể sẽ dần dần chìm vào vách ngăn của ký ức, nhưng sẽ chẳng bao giờ là lãng quên”.


Hạ Nhiên

Bạn có thể quan tâm