Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Guardiola: Nỗi khổ của kẻ đối mặt với sự hoàn hảo

Pep Guardiola sắp tiếp nhận một Bayern đang ở trên đỉnh cao của vinh quang. Liệu ông có phải đối mặt với sức ép duy trì sự thành công?

Guardiola: Nỗi khổ của kẻ đối mặt với sự hoàn hảo

Pep Guardiola sắp tiếp nhận một Bayern đang ở trên đỉnh cao của vinh quang. Liệu ông có phải đối mặt với sức ép duy trì sự thành công?

Giữa tháng 1/2013, Bayern thông báo có chữ ký của Pep Guardiola. Nhiều người mới đầu rất ngạc nhiên, tại sao không phải là Man City hay Chelsea?

Dần dần, mọi người mới phục lăn sự sáng suốt của Pep khi thấy bóng đá Đức đang là mảnh đất tốt nhất châu Âu: thương mại, kết cấu tổ chức, khán giả, đào tạo trẻ... mà Bayern là hàng đầu. Sau khi Hùm xám xứ Bavaria hạ Barca với tổng tỷ số 7-0 sau hai lượt trận bán kết Champions League, nhiều người thốt lên: “Người thắng lớn nhất trong chiến thắng của Bayern chính là Pep”.

Guardiola đến Bayern để thực hiện mục tiêu dài hơi của đội bóng này.

Nhưng nhiều người không hiểu được nỗi khốn khổ của Pep. Bayern càng đẹp, thống trị, phá nhiều kỷ lục và hoàn hảo bao nhiêu thì sức ép lên Pep càng nhiều bấy nhiêu. Từ ngày Pep được xướng danh vào ghế HLV Bayern mùa tới, đội bóng này thắng 25/27 trận và giành chức vô địch Champions League.

Và càng ngày, câu hỏi “Bạn làm mới một đội bóng hoàn hảo như thế nào?” từ người khác và từ chính trong con người Pep đặt ra với Pep càng nặng hơn cho ông. Pep phải xem bóng đá nhiều hơn, ghi chép, tổng kết nhiều hơn trong căn hộ thuê với giá 31.000 USD/ tháng của ông ở New York, thay vì đi thăm thú thư viện, bảo tàng hay đưa con đi học như trước.

Pep nói câu gì đầu tiên khi gặp các cầu thủ Bayern để chuẩn bị cho mùa tới sẽ là một đề tài thú vị. Liệu sẽ giống Brian Clough nói với các cầu Leeds năm 1974: “Các anh hãy vứt hết huy chương đã có vào thùng rác đi, nó không được giành một cách xứng đáng”? Clough dám chỉ trích người tiền nhiệm Don Rivie huyền thoại, các cầu thủ, và ông bị sa thải sau có 44 ngày làm việc.

Thời này chẳng lẽ lại có chuyện đó? Nhưng chắc là Pep sẽ “được” các cầu thủ "nắn gân" dù ông đã thành công tuyệt đối với Barca.

Thực ra, sự thành công ở CLB này không thể đảm bảo cho sự thành công ở CLB khác. Arrigo Sacchi phát kiến ra một kiểu chơi và thành công rực rỡ cùng với Milan nhưng từ sau khi thành á quân thế giới với đội Italy năm 1994, sự nghiệp của ông xuống một cách thảm hại.

Không HLV nào đảm bảo thành công: David Moyes ở Manchester United, Manuel Pellegrini ở Man City, Jose Mourinho ở Chelsea lần hai, và cả Pep ở Bayern.

Bayern Munich đang đạt đến đỉnh cao của thành công.

Thành tích của Pep ở xứ Bavaria trong ba mùa tới (nếu ông làm việc đủ thời hạn hợp đồng) sẽ chỉ là đi xuống mà thôi. Chưa đội nào giành được chức vô địch Champions League hai mùa liên tiếp, chứ đừng nói “cú ăn ba”.

Nói thế để các ông chủ, cầu thủ, CĐV Bayern, những người thích Pep, những người ghét Pep đừng đòi hỏi nhiều từ ông về mặt danh hiệu.

Trong bóng đá bây giờ, người ta hay nói đến từ “dự án” (project). Như Giám đốc điều hành Ferran Soriano của Man City nói: “Chúng tôi đưa Manuel Pellegrini về với dự án giành 5 danh hiệu trong 5 mùa bóng tới”. Hay Jurgen Klopp: “Tôi ở lại Borussia Dortmund vì dự án bóng đá ở đây rất quyến rũ đối với tôi”.

Vậy thì Bayern cũng có “dự án” của họ với Pep. Và đầu mối chủ chốt trong “dự án” đó không phải là các danh hiệu. Suy nghĩ của Bayern khi mang Pep về lấy cảm hứng từ bước đi của Barcelona những năm 1970.

Barca thuê HLV Rinus Michels về năm 1971 và ký hợp đồng với Johan Cruyff năm 1973. Có hai con người kiệt xuất, cha đẻ của bóng đá tổng lực như vậy mà đến năm 1974, họ mới vô địch Tây Ban Nha sau 14 năm chờ đợi. Nếu xét về những chiếc cúp thì hai người Hà Lan này hoàn toàn thất bại nhưng về mặt tư tưởng, đó là thắng lợi vô giá. Họ đã thay đổi toàn bộ triết lý về bóng đá của người xứ Catalan, đặt nền móng thành công cho Barca những thập kỷ sau để rồi lên đến đỉnh cao với thế hệ Xavi, Iniesta, Messi.

“Hùm xám” đình đám bóng đá châu Âu nhiều thập kỷ thật đấy, nhưng ban lãnh đạo Bayern vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra họ còn thiếu bản sắc trong lối chơi. Thời Franz Beckenbauer, Paul Breitner, Gerd Muller mang về 3 chiếc cúp C1 thập niên 1970, họ chơi một kiểu; khi Ottmar Hitzfeld giúp đội giành cúp năm 2001, họ chơi kiểu khác. Và đội bóng hiện tại chơi kiểu khác.

Sau bao năm xây dựng được nền tảng tổ chức, tài chính vững chắc, Bayern bắt tay vào xây dựng một lối chơi mang tính bản sắc cho họ là điều hoàn toàn hợp lý. Và họ bắt đầu với Pep, một dự án mang tính lâu dài chứ không phải nhất thời. Nên Pep hay ai đó chẳng việc gì phải sợ khi đối mặt với sự hoàn hảo.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm