Công chúng không khỏi tò mò về việc liệu những căng thẳng gần đây của Guardiola có liên quan đến tin đồn ly hôn vợ hay không. Tuy nhiên, chỉ có chính Guardiola và Cristina mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác.
Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là áp lực từ vai trò của một HLV luôn khao khát danh hiệu là rất khắc nghiệt, đến mức có thể làm lung lay cả những mối quan hệ thân thiết nhất.
Một người ám ảnh với công việc
Khi LifeStyled Club - nền tảng trực tuyến đầu tiên khám phá ảnh hưởng của bóng đá lên gia đình - ra mắt vào năm 2015 bởi vợ của hai cựu cầu thủ Peterborough United, một con số đáng kinh ngạc được tiết lộ: “40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn, nhưng trong bóng đá, tỷ lệ này lên tới 70%.”
Guardiola không phải là nhân vật duy nhất ở Premier League rơi vào hoàn cảnh này. Arsene Wenger chia tay vợ Annie vào năm 2015 sau 20 năm chung sống, còn cuộc hôn nhân kéo dài 13 năm của Thomas Tuchel với Sissi cũng kết thúc vào năm 2022. Mặc dù so sánh hoàn cảnh cá nhân thường không phù hợp, một điểm chung giữa các HLV này là họ đều có sự ám ảnh đến cực đoan với công việc.
Guardiola từng cẩn thận chỉnh lại các máy ghi âm của phóng viên trước buổi họp báo. Wenger dành cả tối thứ bảy để xem chương trình "Match of the Day" với âm thanh tắt. Còn Tuchel say mê một sân tập ở Áo đến mức đo độ cao của cỏ và thậm chí yêu cầu chuyển cả người chăm sóc sân về Mainz, đội bóng đầu tiên của ông tại Bundesliga.
Sự cầu toàn là yếu tố cần thiết để thành công trong thể thao đỉnh cao, nhưng hệ quả mà nó mang lại là không hề bình thường. Guardiola và Tuchel thường cùng nhau ăn tối tại Munich, biến các lọ muối và tiêu trên bàn thành công cụ mô tả chiến thuật mới nhất của họ. Cảnh tượng này hẳn đã khiến thực khách xung quanh tò mò, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: Liệu họ có bao giờ thực sự ngừng làm việc?
Khi được hỏi vợ mình nghĩ gì về việc ông dành thời gian xem các trận đấu khắp thế giới ngay sau buổi tập của Arsenal, Wenger đã trả lời đầy cảm xúc: “Cô ấy không có nhiều lựa chọn. Công việc của tôi yêu cầu tôi phải đi nhiều nơi, nhưng vấn đề không phải là thời gian bạn dành cho gia đình, mà là chất lượng của thời gian đó. Đó mới là điều khiến công việc này trở nên tổn hại”.
Áp lực tinh thần Guardiola phải đối mặt gần đây dường như cũng đang bộc lộ rõ nét. Hình ảnh ông xuất hiện trong buổi phỏng vấn sau trận thua Feyenoord hồi tháng 11 với vết xước trên đầu và mũi bị trầy xước đã gây xôn xao.
Cựu thuyền trưởng Barcelona nói một cách lạnh lùng: “Tôi muốn làm đau chính mình”. Phát ngôn này bất ngờ đến mức Guardiola phải đưa ra lời giải thích vào sáng hôm sau, kèm theo đường dẫn đến tổ chức hỗ trợ tâm lý Samaritans.
Tháng sau, chiến lược gia của Manchester City tranh cãi dữ dội với một CĐV Liverpool - người cáo buộc ông từ chối ký tặng “chỉ vì ông thua trận”, rồi hét lên liên tục: “Cậu có hiểu thế nào là thua không?” Cuộc cãi cọ với thủ môn Stefan Ortega sau trận hòa 2-2 trước Brentford thuộc vòng 21 Premier League hôm 15/1 - dù Pep mô tả là một hành động thân thiết, nhưng lại mang đến cảm giác không hề như vậy - càng khiến người ta lo lắng hơn về trạng thái tinh thần của ông.
Cái giá cho thành công
Dù nhiều người sẽ cố gắng viện dẫn vấn đề hôn nhân như nguyên nhân ảnh hưởng đến hành vi của Guardiola, chúng ta cần thận trọng khi đưa ra kết luận. Thực tế, Guardiola và vợ sống xa nhau gần 5 năm, kể từ khi Cristina rời Manchester về Barcelona năm 2019 để quản lý thương hiệu thời trang gia đình Serra Claret.
Những mối quan hệ xa cách không hiếm gặp trong bóng đá, nhưng chúng thường là hệ quả của tính chất công việc không ngừng di chuyển của các HLV. Hãy nhìn vào cách José Mourinho từng sống tại khách sạn Lowry ở Salford khi dẫn dắt Manchester United, trong khi vợ ông, Matilde, vẫn ở London.
Cuộc sống trong một phòng suite sang trọng, không phải lo lắng về bữa ăn, nghe có vẻ xa hoa, nhưng thực tế chỉ là biểu hiện của sự cô đơn khi hai người sống ở hai quỹ đạo hoàn toàn khác nhau: một người chăm sóc con cái, người kia phải đối mặt với áp lực công việc trong “bể cá vàng” của mình.
Tại Mỹ, tỷ lệ ly hôn của các HLV môn bóng bầu dục được ước tính khoảng 70%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 42% của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do tính cách nghiện công việc của các HLV.
Cindy Gruden, vợ của Jon Gruden - cựu HLV Tampa Bay Buccaneers, chia sẻ: “Chúng tôi không gặp nhau nhiều, nhưng bạn phải quen với điều đó. Tôi đã biết điều này ngay từ đầu. Tôi không phải kiểu người quá phụ thuộc. Những người vợ của các HLV mà tôi gặp đều giống như vậy: cực kỳ độc lập. Bạn buộc phải độc lập, bởi vì bạn sẽ dành rất nhiều thời gian không có chồng bên cạnh”.
Wenger là người luôn giữ kín đời tư, nhưng ông từng thẳng thắn thừa nhận sự ích kỷ vốn có trong công việc của mình. Ông từng hứa với vợ vào năm 2008, sau 12 năm dẫn dắt Arsenal, rằng ông sẽ chỉ làm thêm 5 năm nữa. Thế nhưng, một thập kỷ sau, ông vẫn ở đó.
Với Wenger, cũng như với Guardiola - những con người ám ảnh bởi chiến thắng, việc chinh phục vinh quang là một cơn nghiện không bao giờ có thể từ bỏ. Đây chính là điểm chung của những nhà cầm quân vĩ đại - nhưng thành công ấy thường đi kèm với cái giá rất đau lòng.