Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Việt tại Harvard: Không nên cho trẻ đi học trước khi khai giảng

GS Ngô Như Bình của Đại học Harvard cho rằng nếu khai giảng không thực tiễn và không có mục đích cụ thể mà chỉ gây phiền phức, tốn kém thì nên bỏ.

Trường Mỹ khai giảng như thế nào? GS Ngô Như Bình, chủ nhiệm chương trình tiếng Việt của Đại học Harvard, cho biết Mỹ không có khai giảng.

Là giảng viên môn tiếng Việt tại trường đại học hàng đầu thế giới, GS Ngô Như Bình từng học tập và công tác tại Liên Xô (cũ) và Mỹ. Ông chia sẻ với Zing.vn góc nhìn về khai giảng nhân dịp mùa tựu trường năm nay.

Những mùa khai giảng đơn sơ, nhiều kỷ niệm

- Khi còn là cậu học sinh, kỳ nghỉ hè của giáo sư và các bạn diễn ra như thế nào?

- Từ năm 1958 đến hết năm 1965, Hà Nội còn thanh bình. Khi ấy, tôi là học sinh cấp một, hai. Thông thường, 31/5 là ngày cuối cùng chúng tôi đi học. Nếu ngày này trùng vào chủ nhật, 30/5 là ngày cuối cùng của năm học đó. Thời ấy, mọi người đi học và đi làm 6 ngày/tuần.

Chủ nhật cuối cùng trong năm học, chúng tôi thường đi cắm trại để chuẩn bị chia tay thầy cô và bạn bè trong suốt mùa hè. Cảm giác rất háo hức. 

Ngày ấy là thời bao cấp, những lớp ngoại khóa miễn phí cho trẻ em được mở ra như ở Câu lạc bộ Thiếu niên. Hè đến, các bạn tôi, một số đi học nhạc, một số đi học vẽ, một số khác được gia đình cho về quê thay đổi không khí.

Chúng tôi có rất nhiều hoạt động song dứt khoát không có chuyện học hành. Nghỉ hè là nghỉ hè. Chúng tôi chỉ làm những việc không liên quan sách vở.

Đôi khi, bố mẹ tôi bảo: "Này con, con chơi nhiều thế thì chữ thầy trả thầy hết. Bây giờ con phải mở sách ra và ôn lại". Tôi sợ lắm. Bố mẹ thường tìm nhiều cách để khuyến khích.

GS Harvard anh 1
GS Ngô Như Bình từng chia sẻ nếu chiến tranh không xảy ra, có lẽ ông sẽ trở thành một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC.

- Thời đó, nước ta khai giảng thế nào? Khai giảng ở Liên Xô và Mỹ -những nơi ông từng học tập và công tác - ra sao?

- Khai giảng diễn ra rất đơn giản, thường vào ngày 1/9. Ngày tựu trường trùng vào chủ nhật thì có thể chuyển sang ngày khác, thường là lùi lại hôm sau. 

Khi tôi học cấp một, hai, khai giảng chỉ là đến tập trung. Thầy, cô hiệu trưởng đến chào hỏi học sinh, nói một vài câu. Thời gian diễn ra chưa đầy 10 phút. Sau đó, học sinh về lớp học. Giáo viên chủ nhiệm giới thiệu các môn học trong năm nay. Sau đó, những tiết học bắt đầu.

Năm nào khai giảng cũng diễn ra như vậy, trừ năm 1960, chúng tôi có thêm lễ duyệt đội vì ngày 2/9 năm đó kỷ niệm 15 năm ngày lễ độc lập. Nhiều gia đình lo con phải mặc quần xanh, áo trắng duyệt đội. Ai là đội viên thì đeo thêm khăn quàng đỏ. Thời ấy khó khăn và nghèo lắm nên chuyện thu xếp cho con một cái quần xanh, áo trắng là cả vấn đề.

Hoành tráng hơn mọi năm nhưng khai giảng năm đó cũng chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Sau đó, học sinh về lớp học. Khi chiến tranh lan ra đến Hà Nội, chúng tôi tránh tập trung đông người nên không có khai giảng năm học. 

Bên Liên Xô ngày xưa khai giảng cũng như ở Việt Nam thời đó. Mỹ thì không có lễ khai giảng.

GS Harvard anh 2
GS Ngô Như Bình là giảng viên tiếng Việt tại ĐH Harvard, Mỹ. Ảnh: NVCC.

Nghỉ hè mất đi ý nghĩa vì trẻ bị ép học

Một số ý kiến cho rằng học sinh ngày nay không được nghỉ hè theo đúng nghĩa. Mùa hè của các em bị đánh cắp bởi bài tập và những lớp học thêm. Thậm chí, nhiều trường còn cho học sinh học chính trước khai giảng. Giáo sư nhận định thế này về vấn đề này?

- Đối với người lớn cũng như trẻ em, một kỳ nghỉ dài như nghỉ hè là thời gian để giải tỏa áp lực. Ngoài việc nghỉ ngơi, hè cũng là lúc các em tham gia hoạt động ngoại khóa như văn nghệ và thể thao. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để các em hòa mình vào những công tác xã hội như từ thiện, xếp sách báo ở thư viện hay thủ thư.

Các hoạt động này không chỉ giúp các em phát triển toàn diện mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, ý thức tập thể và tinh thần trách nhiệm công dân.

Có cần ngày khai giảng nữa không?

"Khai giảng không còn giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa", nhà báo Trương Anh Ngọc viết.

Tôi biết học sinh bây giờ học nhiều hơn chúng tôi ngày xưa hoặc so với các bạn ở các nước phát triển. Ngoài học chính, các em còn phải đến những lớp học thêm. Việc học thêm kéo dài sang cả mùa hè. Như thế đồng nghĩa học sinh bị hạn chế trong trong việc giải tỏa áp lực.

Điều này dẫn đến mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, là một phần nguyên nhân cho những chứng bệnh tâm lý ở trẻ. Hơn nữa, không có thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa hay công tác xã hội khiến trẻ phát triển lệch và thiếu kỹ năng sống. Hậu quả, nghỉ hè mất đi ý nghĩa của nó.

Bên cạnh đó, cho học sinh học trước khai giảng rõ ràng là việc không nên làm. Nếu muốn, các trường có thể cho khai giảng trước bởi một khi học sinh đã học đến gần cả tháng rồi thì sau đó khai giảng làm gì?

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy khai giảng ở Việt Nam rầm rộ quá. Lễ lạt như vậy vừa tốn kém về mặt tiền bạc, vật chất, vừa tốn kém về thời gian.

Để tổ chức một buổi khai giảng như vậy, học sinh phải đến chuẩn bị trước bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu ngày bố mẹ phải đưa đón, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề khác. Do đó, khai giảng còn cần hay không?

Nếu tổ chức, trường hãy làm thật đơn giản và gọn nhẹ để tránh gây phiền phức, tốn kém. Nếu thấy không đem lại lợi ích thiết thực, đây chỉ là dịp trường báo cáo "thành tích" lên sở giáo dục các cấp, rồi sở báo cáo lên bộ thì rõ ràng phải mạnh dạn bỏ.

Phụ huynh, học sinh mong chờ gì ở ngày khai giảng? Phụ huynh mong muốn khai giảng để lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng con trẻ, trong khi học sinh hy vọng ngày tựu trường diễn ra tự nhiên, không phải tập dượt trước.

Theo GS Bình, tại Đại học Harvard, vào ngày đầu tiên của năm học, sinh viên lên lớp như bình thường. Tiết học đầu tiên, giảng viên sẽ giới thiệu về môn học. Những bậc giáo dục thấp hơn cũng vậy.

"Tôi nhớ ngày đưa con gái đến trường nhập học lớp 1, khi cháu mới từ Nga sang. Hôm ấy, tôi đưa con gái vào thẳng lớp học, cô giáo niềm nở ra đón. Cô nói rằng chúng tôi cứ yên tâm để cháu ở đấy và hẹn giờ đón cháu về. Sau đó, cô đưa con gái tôi vào lớp", ông Bình nhớ lại.

Giáo sư Đại học Harvard: 'Tiếng Việt là nỗi đau của tôi'

"Tiếng Việt là nỗi đau của tôi bởi thời gian gần đây, tôi thấy nó đang mất dần sự trong sáng. Người Việt viết sai nhiều quá", giáo sư Ngô Như Bình nói.

Quốc gia bí ẩn nhất thế giới tổ chức khai giảng như thế nào?

Nhà nước phát cho học sinh những bộ đồng phục. Theo truyền thống, cha mẹ, thầy cô hoặc anh chị lớp trên sẽ đeo cho các em nhỏ hoa cài ngực.


Kim Ngân thực hiện

Bạn có thể quan tâm