Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: “Tọa đàm nhằm tôn vinh những cống hiến và thể hiện sự tri ân GS-NGND-Anh hùng lao động Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đối với Đảng bộ và nhân dân TP.HCM”.
Ông Trần Văn Giàu là người gánh vác trọng trách nhạc trưởng cách mạng ở Nam Bộ. Ảnh chụp lại bìa sách Trần Văn Giàu dấu ấn trăm năm.
|
Tầm vóc của ông Trần Văn Giàu đối với lịch sử cách mạng luôn ở vị trí riêng biệt, nhất là lịch sử cách mạng Nam Kỳ. Trong nhiều tham luận, dấu ấn của ông Trần Văn Giàu với Sài Gòn càng không thể phai mờ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định hành trình lớn lao hơn 100 tuổi đời và hơn 80 tuổi Đảng, GS Trần Văn Giàu đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập tự do và phồn vinh của đất nước; biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học uyên bác.
Ông Phong nhấn mạnh để tưởng nhớ, biết ơn, học tập GS Trần Văn Giàu, các thế hệ TP hôm nay quyết tâm phát huy giá trị lịch sử, phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam trong thời đại mới, nêu cao ý chí cách mạng; tự giác phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người cộng sản; nâng cao nhận thức về mọi mặt.
Đồng thời dám nghĩ, dám làm, năng động, dám chịu trách nhiệm trong đẩy mạnh công cuộc đổi mới để góp phần xây dựng đất nước, xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Một điểm nổi bật trong hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, sử gia, chính trị gia… là không tham luận nào không nhắc đến ông Trần Văn Giàu với chữ “thầy”. Và họ cũng nhận mình là học trò của thầy Trần Văn Giàu.
Dẫu như Trần Văn Giàu viết trong lời nói đầu của bộ Chống xâm lăng rằng: “Tôi vốn không phải là một nhà sử học mà lúc đầu do yêu cầu làm công tác tuyên truyền, rồi sau đó do trách nhiệm giáo dục đại học mà đi vào nghiên cứu lịch sử” thì cho đến cuối đời, dường như điều ông đau đáu nhất vẫn là lịch sử dân tộc, lịch sử miền Nam qua từng câu chuyện, từng số phận.
Trong tham luận của mình, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhìn nhận điều đặc biệt ở GS Trần Văn Giàu là ông sẵn sàng thừa nhận mình sai và đổi mới nhận thức của mình một cách khoa học, nghiêm túc. “Còn nhớ trong cuộc hội nghị khoa học “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” tổ chức tại TP.HCM vào ngày 20-6-1996, chính ông đã từ bỏ ý kiến đánh giá của mình từ năm 1956 và thừa nhận Nguyễn Văn Tường là một đại quan yêu nước của triều Nguyễn” - GS-TS Tạ Ngọc Tấn viết.
Sự nặng lòng với lịch sử ấy ông còn mang đến kiếp sau thông qua việc bán căn nhà của mình vào những ngày cuối đời để lập nên giải thưởng Trần Văn Giàu nhằm khuyến khích những công trình nghiên cứu lịch sử. Nói như chính GS Trần Văn Giàu lúc sinh thời rằng: “Một xã hội thiếu hiểu biết lịch sử của dân tộc mình theo tôi là dấu hiệu của sự sa đọa”.
Ông Nguyễn Thọ Chân (nguyên Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Đại sứ tại Thụy Điển, Bộ trưởng Bộ Lao động Việt Nam) kể:
“Khi tôi từ tù Côn Đảo về lại Sài Gòn năm 1945, hành trang của tôi chỉ có mấy quyển sách tiếng Pháp. Thời đó, chỉ cần mặc đồ có màu đỏ, trắng, xanh đã bị nghi là Việt gian huống chi là cầm chồng sách Pháp. Tôi đã bị giữ lại vì chồng sách. Thế nhưng chính ông Trần Văn Giàu (khi đó là bí thư Xứ ủy Nam Kỳ) đã tới xin lỗi, nhờ ông tôi mới được tha và sau đó tôi tham gia Tỉnh ủy Gia Định”.