Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

GS Thayer: Việt Nam đóng góp sự ổn định, phát triển kinh tế cho ASEAN

Sau 25 năm tham gia với ba lần làm chủ tịch ASEAN, Việt Nam có nhiều đóng góp nhờ sự ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, và chính sách ngoại giao “đa dạng hóa, đa phương hóa”.

Đó là nhận định của giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc Đại học New South Wales, khi trao đổi với Zing nhân kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Ngày 28/7/1995, lá cờ Việt Nam tung bay trên bầu trời Brunei trong lễ kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, cũng như sự phát triển của ASEAN.

Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt ở Đông Nam Á, bỏ lại phía sau thời kỳ căng thẳng, đầy nghi ngại trong khu vực, tiếp tục mở đường cho hòa bình, ổn định, và những hợp tác mới.

Là chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, ông Thayer chia sẻ góc nhìn của mình về các đóng góp chính của Việt Nam, chính sách ngoại giao “đa dạng hóa, đa phương hóa”, mạng lưới đối tác rộng lớn mà ASEAN hiện có.

"Văn hóa triển khai" của Việt Nam

- Sau 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, mối quan hệ giữa hai bên đạt những thành tựu nổi bật nào?

- Đóng góp lớn của Việt Nam vào ASEAN là sự ổn định trong nước và tăng trưởng kinh tế cao. Chỉ Brunei và Singapore là các nước khác trong khối cũng có hai yếu tố đó.

7 nước còn lại của ASEAN đều trải qua bất ổn chính trị, đảo chính quân sự, chủ nghĩa cực đoan trong nước hay khủng hoảng kinh tế. Việt Nam, do đó, đóng góp sự ổn định của mình vào sự phát triển của ASEAN.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 2

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Đại học New South Wales.

Việt Nam có đóng góp lớn cho ASEAN với tư cách chủ tịch của khối vào các năm 1998 và 2010. Lần đầu tiên Việt Nam nhậm chức chủ tịch là năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bắt nguồn ở Thái Lan. Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch Hành động Hà Nội với mục tiêu là phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN cũ và các thành viên mới Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).

Khi đảm nhiệm ghế chủ tịch ASEAN lần thứ hai, Việt Nam thúc đẩy thành công “văn hóa triển khai” (hay như Việt Nam thường dùng cụm từ “đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống”). Nói cách khác, Việt Nam nỗ lực chuyển các chính sách và tuyên bố của ASEAN thành kết quả thực tế. Điều này sau cùng mang lại kết quả hữu hình là Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Việt Nam có vai trò chính trong việc mở rộng thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), để bao gồm Nga và Mỹ - hai nước này gia nhập EAS năm 2015.

Việt Nam cũng có vai trò đáng kể trong cách xử lý của ASEAN đối với các bất đồng trên Biển Đông giữa các nước ven biển và Trung Quốc. Việt Nam có vai trò lớn trong việc soạn thảo Tuyên bố về Cách ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, làm cơ sở để xây dựng lòng tin với Trung Quốc.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 3

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký văn kiện trong lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN năm 1995. Ảnh: TTXVN.

- Việt Nam đang thể hiện được vai trò lãnh đạo ở khối, từ xuất phát điểm chỉ là thành viên dạng "tụt hậu" trong ASEAN. Đây hẳn là sự thay đổi lớn trong vai trò của Việt Nam ở ASEAN 25 năm qua?

- Việt Nam thực hiện được vai trò lãnh đạo trong ASEAN nhờ ba lý do chính.

Việt Nam ổn định về chính trị và nhờ vậy có thể cho ASEAN sự hỗ trợ liên tục. Chẳng hạn, Việt Nam là một trong những thành viên triển khai nhanh nhất các mục tiêu đặt ra cho cộng đồng ASEAN.

Năm 1996, một năm sau khi Việt Nam gia nhập, ASEAN hoàn tất thỏa thuận về một khu vực tự do thương mại. Việt Nam hưởng lợi từ thỏa thuận này và kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng ở mức cao. Việt Nam do đó có thể vận động cho các thành viên mới, kém phát triển hơn trong ASEAN. Việc phát triển mạnh tạo uy tín cho Việt Nam trong ASEAN và điều đó tạo điều kiện cho vai trò lãnh đạo.

Việt Nam cũng mang đến ASEAN kinh nghiệm lâu dài trong việc quan hệ với các nước lớn. Chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ ngoại giao, và việc đàm phán được 16 quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn và quan trọng đặt Việt Nam vào vị trí đặc biệt để có thể cố vấn giúp ASEAN giữ vai trò trung tâm trong khu vực.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 4

Cờ Việt Nam tung bay cùng các thành viên ASEAN tại trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, năm 1995. Ảnh: TTXVN.

Những đề xuất mới về nguyên tắc đồng thuận

- Ông đánh giá thế nào về vị trí của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?

- Về chính thức, Việt Nam ưu tiên các đối tác truyền thống, các nước láng giềng và các nước trong khu vực. Chính sách “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ đối ngoại có cả phương diện song phương lẫn đa phương. Việt Nam muốn giữ độc lập và tự chủ chiến lược trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

ASEAN và các cơ chế liên quan như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) đều mang lại sự “bao bọc” về mức độ nào đó trước sức ép trực tiếp từ các cường quốc.

- Đồng thuận là nguyên tắc nền tảng trong hoạt động của ASEAN. Nguyên tắc này giúp duy trì đoàn kết của khối, song cũng bị đánh giá là làm suy yếu hiệu quả trong giải quyết một số vấn đề an ninh. ASEAN cần thay đổi gì để giải quyết hạn chế này?

- Việc ra quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đã cho thấy là một rào cản, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.

Đã có các lời kêu gọi ASEAN có nguyên tắc mới để xử lý các vấn đề kinh tế là công thức “N trừ X”. N là số nước ASEAN đồng ý một đề xuất, còn X là những nước không ủng hộ. Theo quy tắc này, N thành viên đã đồng ý thì có thể xúc tiến, còn X thành viên còn lại có thể tham gia sau.

Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN đã đề xuất hệ thống bỏ phiếu đa số cho một số vấn đề an ninh - chính trị ở nhiều cấp - có nghĩa nếu 6 thành viên chấp thuận, một đề xuất hay nghị quyết sẽ được thông qua. Hệ thống này không được đề xuất cho cấp hội nghị thượng đỉnh, nơi ra các quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận.

- ASEAN đạt được những kết quả gì trong phát triển hợp tác khu vực?

- ASEAN có chương trình hợp tác khu vực rất rộng. ASEAN đang trở thành một Cộng đồng dựa trên ba trụ cột: an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. ASEAN có các kế hoạch xây dựng cộng đồng cho mỗi trụ cột.

Năm nay, ASEAN phải kiểm điểm giữa kỳ về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Hành động cho mỗi mảng.

Covid-19 “làm đảo lộn” lịch họp ASEAN

- ASEAN thể hiện vai trò ra sao trong việc điều hoà quan hệ giữa các nước lớn, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực? Đâu là những điều ASEAN chưa làm được?

- ASEAN phát triển một mạng lưới các đối tác đối thoại, thông qua các hội nghị thường niên ASEAN+1. ASEAN cũng tạo ra nhóm ASEAN+3 để kết nối Đông Nam Á với Đông Bắc Á, và ba đối tác đối thoại ở đây là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

ASEAN cũng thành công trong việc tạo ra một mạng lưới các cơ chế liên quan đến ASEAN, trong đó ASEAN ở vị thế “cầm lái”. Khi ASEAN lập ra Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào năm 1994, khối này đề nghị làm chủ tịch, với thỏa hiệp rằng một số hội nghị đối thoại của ARF sẽ do một nước ASEAN và một đối tác đối thoại đồng chủ trì.

ASEAN và ASEAN Way (Phương thức ASEAN - gồm các quy tắc về đối thoại, sự bao trùm, và triển khai ở tiến độ mà tất cả đều thấy thoải mái) cũng là những yếu tố chính trong Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) giữa các nguyên thủ 18 nước. EAS bao gồm 10 nước thành viên ASEAN, cộng thêm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Australia.

Cuối cùng, ASEAN phát triển một mạng lưới mở rộng với các đối tác đối thoại, chẳng hạn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 9

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 và 17 tại thủ đô Hà Nội trong năm làm chủ tịch 2010. Ảnh: Reuters.

Dù có những cơ chế này, những điều ASEAN chưa làm được là giảm nhẹ sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc và việc Trung Quốc quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông.

- Quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN trong thời gian tới có những triển vọng phát triển và thách thức gì?

- Thời gian là thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt. Chỉ còn dưới 6 tháng để Việt Nam đạt được các mục tiêu đã đặt ra đầu nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã phải chuyển hướng chú ý sang đối phó với dịch Covid-19.

Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phải ưu tiên nỗ lực chung ASEAN phòng chống đại dịch Covid-19. Điều này sẽ bao gồm lên phương án cho mỗi ngành và bảo đảm rằng các phương án đó bổ sung cho nhau. Việt Nam cũng sẽ phải kêu gọi ủng hộ từ các đối tác đối thoại.

Đồng thời, Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN, sẽ phải tiếp tục soạn thảo kế hoạch hồi phục một khi mối đe dọa Covid-19 đã giảm đi.

Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn lịch họp của ASEAN và các hoạt động khác đã lên lịch cho năm 2020. ASEAN thường có hơn 1.200 cuộc họp trực tiếp ở các cấp trong năm. Nhiều hoạt động của ASEAN đã bị đình trệ, chẳng hạn chưa có cuộc họp nào giữa ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) được diễn ra. Một thách thức lớn cho Việt Nam là làm sao để ưu tiên lại các cuộc họp và đạt được một số kết quả công việc thông qua họp video.

Mặc dù Quỹ Phản ứng ASEAN với dịch Covid-19 đã được chấp thuận, vẫn còn một số bất đồng về cách mà quỹ này sẽ được các thành viên ASEAN cấp vốn.

Các lãnh đạo ASEAN còn cân nhắc một đề nghị kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam thêm một năm để cho phép Việt Nam thúc đẩy 5 ưu tiên của chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng”.

Các ưu tiên này bao gồm: đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

ASEAN muốn Biển Đông 'là điểm đến hữu nghị cho thế giới’

Tại họp báo sau hội nghị ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi sự đoàn kết của ASEAN, nhấn mạnh nhiệm vụ phục hồi kinh tế, đồng thời bàn về các vấn đề quốc tế.

VN làm chủ tịch ASEAN: Biển Đông, cạnh tranh Mỹ - Trung là thách thức

Đại sứ Phạm Quang Vinh nói Cộng đồng ASEAN đã qua 5 năm từ khi thành lập, đạt một số kết quả. Nhưng giai đoạn hội nhập tiếp theo, nhắm tới mức cao hơn về chất, sẽ khó khăn hơn.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm