Lâu nay đã nghe quen câu "Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên" mà chưa hiểu gà Tiên Yên ra sao, có gì hay hơn gà đồi Bắc Giang hay không.
Đến nơi mới rõ gà Tiên Yên là giống gà địa phương do bà con các dân tộc ít người lưu giữ từ nhiều đời nay rồi và huyện đã có một chủ trương mạnh mẽ là lưu giữ và phát triển nguồn gen quý hiếm này.
Trách nhiệm giao cho cô kỹ sư trẻ trung Hoàng Thị Dung. Tuy nhiên công đầu phải kể đến chàng trai dân tộc Sán Dìu Lý Văn Diểng, một thạc sĩ lâm nghiệp nhưng say mê chăn nuôi gà. Kể về anh thì chắc phải viết thành tiểu thuyết. Tôi chỉ xin kể về một chuyện thật kỳ lạ và dẫn đến những thành công khó lường hết được trong tương lai. Đó là việc thụ tinh nhân tạo cho gà.
Có lẽ chúng ta không lạ gì việc thụ tinh cho trâu, bò, lợn... nhưng chắc chưa ai có may mắn được biết về thụ tinh nhân tạo cho gà. Ích lợi thì quá rõ rồi.
Bình thường trong đàn gà phải có tỷ lệ ít nhất là 10 gà mái cần 1 gà trống. Vậy mà trong đàn gà này đâu phải ngày nào cả 10 con đều đã may mắn được "chiếu cố". Chính vì vậy tỷ lệ trứng có phôi thường chỉ đạt 70% mà thôi.
Đối với chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lớn, đó là một thiệt thòi rất lớn. Chắc chúng ta đã thường xuyên trông thấy gà trống đạp mái. Chúng dí mỏ vào cồ gà mái rồi đè lên và hoàn thành nhiệm vụ có thể nói là... quá nhanh! Nhưng thụ tinh nhân tạo bằng cách nào đây? Cơ quan sinh dục của gà trống đâu thấy có gai giao cấu nào thò ra ngoài?
Thụ tinh nhân tạo cho gà sẽ mở ra những thành công khó lường hết được trong tương lai. |
Các nhà khoa học cho biết cơ quan giao cấu của gà trống không phát triển. Nó chỉ là chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh, nó nở to khi có kích thích sinh dục. Ngoài ra, khi tinh hoàn hoạt động còn có sự tham gia của những nếp nhăn limpho và những thể ống, nằm ở tận cùng của ống dẫn tinh. Khi giao cấu, ổ nhớp con trống áp sát với lỗ huyệt con mái. Lúc này âm đạo được bộc lộ ra và tinh trùng được phóng vào lỗ huyệt của con mái.
Anh Diểng đã huấn luyện được một anh và một chị công nhân thực hiện rất thành thạo công việc tưởng chừng rất khó khăn này (lương tháng nghe nói là 10 triệu đồng, gấp ba lần lương Tiến sĩ). Anh ta phụ trách nắm con gà trống và vuốt rất thiện nghệ phần dưới lưng gà, thế là lượng tinh trùng màu trắng đục được phun ra chén thụ tinh mà chị kia đã hứng được.
Thụ tinh nhân tạo cho gà. |
Vậy là chỉ cẩn pha loãng ra và dùng ống hút có đầu nhựa thay đổi sau mỗi khi bơm vào lỗ huyệt của con gà mái.
Kết quả là một con gà trống phục vụ dễ dàng cho được tới 75 con gà mái và tỷ lệ có phôi của trứng thì nâng lên đến 96%.
Kết quả thực mỹ mãn còn "sự hưng phấn" của chú gà trống kia thì chắc chưa ai có điều kiện nghiên cứu.
Tôi trao đổi với anh Diểng về tỷ lệ thụ thai ở loài gà Đông Tảo còn quá thấp nên có lúc tìm mua một con trống đẹp đẽ phải tốn tới 6-7 triệu đồng.
Anh Diểng cho biết vì chân con trống to quá khó lòng thực hiện được chuyện đạp mái và đấy đang là mong ước của anh Diểng sẽ chuyển giao được công nghệ thụ tinh nhân tạo này cho giống gà Đông Tảo quý giá.
Một chuyện lạ nữa là trại gà đẻ của anh Diểng giữa trưa nắng như mấy hôm nay mà mát mẻ như có điều hòa nhiệt độ? Phương pháp thật đơn giản: hai bên trại được che kín bằng vải nhựa. Một đầu có nước giếng khoan mát lạnh chảy từ từ qua những lớp ngói xếp khít vào nhau. Đầu kia của trại là 4 cái quạt lớn chạy bằng mô tơ điện.
Lại một chuyện thú vị nữa là trại gà hậu bị của anh Diểng kể một cách bất ngờ: "Mái lợp fribrô xi măng, tường chỉ là lưới thép đơn giản. Tôi hỏi thế thì gà nóng chết. Anh cười rất tươi và nói: Thầy xem có con gà nào trong chuồng không? Nó lên núi sống chung với cây keo, làm cỏ hộ cây keo, chén các loại giun dế vô vàn trong đất rồi bón phân cho cây keo".
Nhắc đến phân gà tôi lại biết thêm một chuyện thú vị là chỉ riêng chuyện xúc phân gà trong trại bán cho các nhà nuôi tôm cũng thừa đủ tiền trả lương cho công nhân toàn trại rồi.