GS. Ngô Bảo Châu viết 'tiểu thuyết toán hiệp'
Ở Việt Nam, đây là cuốn sách đầu tiên pha trộn toán học và hư cấu, mà các tác giả gọi vui là “tiểu thuyết toán hiệp”. Điều thú vị là các nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại được các tác giả cho cùng ngồi ăn tối hay đàm đạo dưới một mái nhà.
Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - cuốn tiểu thuyết được viết chung bởi hai tác giả: Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, với phần minh họa của họa sĩ Thái Mỹ Phương sẽ ra mắt bạn đọc vào dịp Hội sách TP HCM 2012. Tác phẩm được kỳ vọng tiếp thêm tình yêu, sự say mê cho độc giả trẻ đối với môn toán.
Ở Việt Nam, đây là cuốn sách đầu tiên pha trộn toán học và hư cấu, mà các tác giả gọi vui là “tiểu thuyết toán hiệp”. Cuốn sách là hành trình của hai cậu bé Ai và Ky, cùng với dế Jim, lên đường khám phá văn minh nhân loại từ buổi bình minh của toán học với những tiên đề đầu tiên về điểm và đường thẳng…
Điều thú vị là các nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại được các tác giả cho cùng ngồi ăn tối hay đàm đạo dưới một mái nhà. Các bậc danh nhân toán học đã giảng giải cho Ai và Ky những kiến thức cột mốc trong lịch sử phát kiến và nghiên cứu toán học, với một nguyên tắc: Những quy luật, những định lý, những vẻ đẹp của toán chỉ có thể hiện lên một khi các cậu bé thực sự muốn khám phá.
Nửa sau của cuốn sách là những biến cố bất ngờ có phần siêu thực, lôi các nhân vật vào một vòng xoáy hành động sôi nổi với những cuộc thi kiến thức gay cấn. Cuốn sách dừng lại với một cái kết mở ra một câu chuyện khác. Mang theo mình chiếc túi da đựng cả hành trang kiến thức có được sau những bước phiêu lưu gồm cây thước, chiếc compas, cái búa căn và hệ tọa độ cùng trà, đậu, mật ong, Ai cùng Ky tiếp tục đi về phía biển, lên chiếc tàu Phía Trước để khám phá đại dương tri thức.
Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Đối với tôi, sử dụng tiếng Việt để viết toán, viết văn làm thơ luôn là một niềm vui thực sự”, còn Nguyễn Phương Văn nói: “Những gì chúng tôi mong là cố gắng khơi gợi niềm vui tìm tòi tri thức”.
GS. Hà Huy Khoái nhận xét: tác phẩm là “cuốn sách vỡ lòng về triết học của toán học”. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa coi đây là “một cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán”.
Theo Đất Việt