Sở GTVT Hà Nội đã có 2 văn bản yêu cầu công ty chủ quản của các ứng dụng Grab, Be, Gojek, My Go, FastGo dừng hoạt động đối với môtô hai bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa để phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, đơn vị cũng yêu cầu dừng kết nối trên ứng dụng và đề nghị Sở TT&TT hỗ trợ kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
Tuy nhiên, ứng dụng Grab vẫn mở chế độ giao hàng. Trong hai ngày 26 và 27/7, hàng chục tài xế GrabBike bị lực lượng chức năng Hà Nội xử phạt vì ra đường giao hàng bất chấp lệnh cấm.
Theo dõi sự việc, nhiều người thắc mắc Grab có bị áp dụng chế tài khi vẫn mở ứng dụng? Và nếu tài xế mắc Covid-19, làm lây lan cho người khác khi giao hàng, những cá nhân, đơn vị liên quan có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Xử phạt tối đa 40 triệu đồng
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho biết việc Grab và đối tác cung cấp dịch vụ những ngày qua đã vi phạm pháp luật, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cơ quan chức năng cần yêu cầu Grab tạm dừng cung cấp dịch vụ, lập tức chấm dứt hành vi vi phạm trước khi làm việc với đại diện đơn vị để đưa ra chế tài xử lý phù hợp.
Theo luật sư, với việc không tạm dừng cung cấp dịch vụ, Grab có thể bị xử phạt về hành vi Không tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng theo điểm c, khoản 3, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khung hình phạt áp dụng dành cho cá nhân vi phạm là 10-20 triệu đồng và 20-40 triệu đồng với các tổ chức như Grab.
"Với một công ty có quy mô như Grab, mức xử phạt như vậy là quá nhỏ, chưa đủ sức răn đe", Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nêu quan điểm.
Lực lượng chức năng làm việc với tài xế vi phạm. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Về trách nhiệm của Grab đối với các tài xế khi không thông báo lệnh cấm, không đóng chế độ giao hàng dẫn tới việc đối tác bị xử phạt, luật sư cho rằng công ty công nghệ không có trách nhiệm nộp phạt hoặc bồi thường thiệt hại cho tài xế.
Chế định về bồi thường thiệt hại tại Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu dựa vào yếu tố lỗi cũng như thỏa thuận về bồi thường giữa các bên. Khoản 3 Điều 507 bộ luật này quy định thành viên hợp tác có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác nếu thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Tuy nhiên, theo luật sư, các tài xế chỉ có thể yêu cầu bồi thường nếu chứng minh được yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về phía Grab.
"Mối quan hệ giữa Grab và các tài xế là mối quan hệ hợp tác. Grab cung cấp giải pháp, tìm kiếm khách hàng, đưa ra yêu cầu đối với tài xế là người tiếp nhận yêu cầu, trực tiếp phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, họ có quyền từ chối, không bắt buộc thực hiện yêu cầu. Do đó, lỗi thuộc về cả 2 bên. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó", luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Có thể xử lý hình sự?
Dưới góc độ hình sự, luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) đánh giá hành vi tiếp tục cung ứng dịch vụ của Grab mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh cho xã hội. Shipper là những người di chuyển liên tục, tiếp xúc nhiều, lại chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19. Nếu không cẩn thận, họ có thể trở thành nguồn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Trường hợp tài xế GrabBike mắc Covid-19 trong quá trình giao hàng và khiến dịch bệnh lây lan cho người khác, ông Đại cho rằng cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người liên quan về tội Vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người hoặc Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Nếu tài xế mắc Covid-19 và làm lây lan dịch trong quá giao hàng, luật sư cho rằng cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự với đại diện tổ chức, cá nhân liên quan. Ảnh: Q.H. |
Đối với Grab, nếu hành vi thực hiện hoạt động kinh doanh của họ gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh hoặc làm chết người, người đứng đầu, người quản lý đơn vị và những cá nhân liên quan có thể bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật hình sự 2015.
Khung hình phạt dành cho người phạm tội là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù 1-12 năm, tùy thuộc tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội.
Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm liên đới với tài xế trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị lây nhiễm theo Điều 590 (thiệt hại về sức khỏe) hoặc Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 (thiệt hại về tính mạng).
Đối với tài xế Grab, nếu không tuân thủ quy định phòng chống dịch và làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt tối đa 12 năm tù.