Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, một thành phố nhộn nhịp với khoảng 4,8 triệu dân, dịch vụ giao đồ ăn Deliver Addis đã trở nên phổ biến với chất lượng và độ chính xác cao.
Điểm nổi bật của dịch vụ này đến từ việc ứng dụng cho phép xác định vị trí cực kỳ chính xác. Bí mật đằng sau ứng dụng này chính là công nghệ vệ tinh của Trung Quốc, thứ ban đầu được thiết kế nhằm phục vụ quân đội.
Cơ hội của Beidou
Sự phổ biến của ứng dụng Deliver Addis được hỗ trợ một phần bởi hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu). Chính hệ thống này đã tạo nên điểm nhấn cho Trung Quốc trong cuộc chiến giành vị trí cao nhất trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
"Thông tin định vị trên smartphone đã được cải thiện nhanh chóng. Chúng tôi thậm chí có thể quản lý việc giao hàng ngay trong thời kỳ Covid-19 hoành hành", Miyuki Koga, chủ sở hữu của một nhà hàng Nhật Bản tại thủ đô Addis Ababa cho biết.
Mô hình hệ thống định vị Beidou được trưng bày tại một triển lãm ở Trung Quốc. Ảnh: CGTN. |
Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển công nghệ định vị, bằng sự kiện phóng vệ tinh đầu tiên tạo nên Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) vào năm 1978. Nhưng GPS đang dần trở nên kém phổ biến tại thủ đô của Ethiopia.
Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống Beidou vào tháng 6 vừa qua, sau khi bắt đầu phát triển từ năm 1994. Mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là kinh tế.
Dữ liệu từ công ty thu phát vệ tinh Trimble của Mỹ cho thấy có tới 165 /95 thủ đô của các quốc gia trên thế giới được Beidou theo dõi thường xuyên hơn GPS.
Hiện tại, có tới 30 vệ tinh Beidou truyền tín hiệu liên tục tới Addis Ababa, nhiều gấp đôi so với hệ thống GPS của Mỹ. Phần lớn điều này là nhờ vào các kết nối với những chiếc điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc.
GPS ban đầu được xây dựng phục vụ mục đích quân sự, bao gồm dẫn đường cho tên lửa và theo dõi vị trí của binh lính. Bằng cách phát triển công nghệ vệ tinh cạnh tranh với hệ thống của Mỹ, Trung Quốc có thể tăng cường khả năng quân sự của chính mình và gây ra mối đe dọa mới đối với Washington.
Kể từ khi có sự xuất hiện của Internet, Mỹ dường như luôn chiếm thế thượng phong trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, vị trí độc tôn của Mỹ đang bị đe dọa bởi sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Cuộc chiến về dữ liệu trên biển
Cuộc chiến dữ liệu định vị không chỉ đang diễn ra trên không gian, nơi những vệ tinh của Mỹ và Trung Quốc bay quanh Trái Đất. Nó còn đang xảy ra trên các đại dương.
Vào tháng 5, những lo ngại đã xuất hiện sau khi một tàu nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, mang tên Xiang Yang Hong 01, bất ngờ xuất hiện ngoài khơi bờ biển phía đông bắc lãnh thổ Guam của Mỹ ở giữa Thái Bình Dương và bắt đầu có những hành vi mờ ám.
“Sự chú ý của Trung Quốc đã chuyển một số khu vực thuộc Thái Bình Dương”, Yasuhiro Matsuda, giáo sư tại Đại học Tokyo cho biết.
Hạnh trình của tàu Xiang Yang Hong 1. Ảnh: MarineTraffic. |
Tờ Asia Nikkei đã kiểm tra hoạt động của 34 tàu chính phủ Trung Quốc thông qua trang web MarineTraffic cũng như theo dõi hoạt động của các tàu này trên toàn thế giới dựa vào dữ liệu công khai từ hệ thống nhận dạng tự động.
Theo đó, dữ liệu của tàu Xiang Yang Hong 01 cho thấy các chuyến hành trình của nó tới gần đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana của Mỹ được thực hiện theo một mô hình có hệ thống. Đảo Guam là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ.
Các chuyến đi đã được thực hiện đến Ấn Độ Dương thông qua cứ điểm chiến lược là eo biển Malacca.
“Hành trình của tàu Xiang Yang Hong 01 trùng lặp với khu kinh tế Vành đai do Trung Quốc vạch ra chủ trương từ trước", Koichi Sato, giáo sư tại Đại học J.F. Oberlin cho biết.
Các tàu được giao nhiệm vụ khảo sát nhiều nguồn tài nguyên ngoài khơi và có thể bí mật thu thập dữ liệu để sử dụng cho quân sự, chẳng hạn như vạch ra các tuyến đường tàu ngầm trong tương lai. Quân đội Trung Quốc được cho là đang tăng cường hoạt động của tàu ngầm. Do đó, thông tin về các dòng hải lưu và địa lý đáy biển trở thành điểm mấu chốt cho mục tiêu này.
Trong thời đại mà công nghệ trở thành một chiến trường khốc liệt, Trung Quốc đang vạch ra cho mình một bước đi để dẫn trước các đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể dựa vào không gian, mạng di động và sức mạnh của não bộ.