Theo Nikkei Asia Review, chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc đang gấp rút thu hồi nợ và tăng cường sức mạnh tài chính trong bối cảnh khối nợ công tại nhiều nơi ngày càng phình to. Nếu vỡ vụn, đây sẽ là "gót chân Achilles" kéo theo hệ thống tài chính trị giá 50.000 tỷ USD của nước này lao dốc.
Số liệu từ công ty nghiên cứu Gavekal Research cho thấy lượng trái phiếu tài trợ địa phương (LGFV) - được dùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng công cộng như đường, trường học và nhà máy - tăng vọt 76%, lên 290 tỷ nhân dân tệ (45 tỷ USD) trong tháng 1. Từ cuối tháng 12 năm ngoái, tổng lượng trái phiếu được các chính quyền địa phương phát hành đã đạt 500 tỷ nhân dân tệ (77 tỷ USD).
Theo Moody's Investors Service, hơn 3.000 tỷ NDT (462 tỷ USD) thuộc 2.000 trái phiếu LGVF của Trung Quốc sẽ tới hạn trong năm nay. Sau một thập kỷ vung tiền vào tài sản, lượng trái phiếu đang lưu hành tại Trung Quốc đã đạt kỷ lục 10.400 tỷ NDT (1.600 tỷ USD).
Giới nhà đầu tư vô cùng lo ngại về những công ty thuộc quản lý của nhà nước mắc nợ đầm đìa kể từ cuối năm ngoái. Sau một loạt vụ vỡ nợ hồi năm ngoái của những công ty nhà nước lớn như Yongcheng Coal & Electric hay công ty sản xuất chip Tsinghua Unigroup, giả định về sự bảo lãnh ngầm của chính phủ đối với các công ty nhà nước ngày càng lung lay.
Vòng xoáy vay mới bù cũ
Theo Nikkei, các cơ quan chính quyền địa phương là một trong số đối tượng vay nợ lớn nhất Trung Quốc. Khi Bắc Kinh tăng cường hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tài chính, chính quyền tại các địa phương trở thành đối tượng bị quan sát chặt chẽ.
Do đó, làn sóng phát hành trái phiếu lan rộng gần đây cho thấy chính quyền các địa phương đang tận dụng tối đa cơ hội để tái cấp vốn và kéo dài thời gian đáo hạn của các khoản nợ hiện có trước khi những quy định về vay nợ thắt chặt.
Nhiều tỉnh ở Trung Quốc ráo riết phát hành thêm nợ mới để trả các khoản vay cũ. Ảnh: SCMP. |
Trước tuyên bố siết chặt các quy định cho vay, nhiều đơn vị gấp rút mượn nợ mới để trả nợ cũ, đồng thời kéo dài thời gian đến hạn của các khoản vay. Công ty Từ Châu Xinsheng Investment, tỉnh Giang Tô đã huy động mới 2,8 tỷ NDT (431 triệu USD) để trả khoản nợ cũ trị giá 500 triệu NDT (77 triệu USD) dù chưa tới hạn. Như vậy, công ty vừa sớm dứt khoản nợ cũ, vừa kéo dài thời hạn trả khoản vay mới lên 3 và 5 năm.
Nanjing Hexi New Town, một công ty thuộc sở hữu công của chính quyền tỉnh Nam Kinh, cũng thông báo sẽ phát hành thêm trái phiếu, huy động nợ mới để chi trả cho khoản trái phiếu 3 năm trị giá 2 tỷ NDT trước ngày đáo hạn.
Ông Liu Yu, trưởng bộ phận phân tích thu nhập cố định tại GF Securities, cho biết: "Sự gia tăng thu hồi các khoản vay trái phiếu trước hạn gần đây liên quan đến chính sách mở rộng kế hoạch giải quyết nợ tiềm ẩn từ chính phủ".
Ông Wei He, chuyên gia phân tích tại Gavekal, cho biết: "Hoạt động đảo nợ đang trở nên phức tạp hơn. Trong bối cảnh căng thẳng tài chính gia tăng và việc chính phủ hạn chế cứu trợ, trong tương lai có lẽ không thể tránh khỏi nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu diễn ra".
Rủi ro "nợ ẩn" chực chờ
Cho đến nay, vẫn chưa có vụ vỡ nợ trái phiếu địa phương nào xảy ra. Tuy nhiên, khả năng tự xoay sở nợ của các chính quyền vẫn còn nhiều hạn chế. Trong năm ngoái, chi phí trả nợ ước tính bằng 90% tổng thu nhập của chính quyền các tỉnh.
Chưa dừng lại ở đó, một khoản "nợ ẩn" khổng lồ càng làm các nhà đầu tư lo ngại. Đây là các khoản vay nợ để xây dựng phương tiện cơ sở hạ tầng của chính phủ và các mối quan hệ đối tác công tư. Những khoản vay này thường không rõ ràng, không có mặt trên sổ sách kế toán chính thức của các tỉnh và không được chính quyền trung ương công nhận. Vì tính mập mờ không rõ này, số "nợ ẩn" càng làm nhiều người lo ngại.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Chengxin của Trung Quốc ước tính nếu gồm cả các khoản vay LGFV, khoản nợ tiềm ẩn của Trung Quốc đang ở mức 43.000 tỷ NDT (6.460 tỷ USD) hồi cuối năm 2019. Con số này gần bằng một nửa quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Trong đó, xấp xỉ 60% là nợ của các ngân hàng.
Khoản nợ khổng lồ là kết quả của kế hoạch chi tiêu dài hàng thập kỷ để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong những giai đoạn lũng đoạn kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.
Tổng khoản "nợ ẩn" của Trung Quốc lên tới 6.460 tỷ USD, gần một nửa quy mô nền kinh tế hồi năm 2019. Ảnh: EFA. |
Đến năm 2017, giới chức trách muộn màng nhận ra những rủi ro tiềm ẩn, tuy nhiên không thể ngay lập tức kiểm soát nó. Việc kiềm chế rủi ro từ nợ ẩn của chính quyền địa phương trở thành một trong các mục tiêu hàng đầu trong năm 2021. Bộ trưởng Tài chính Liu Kun cam kết sẽ siết chặt quản lý nợ của chính quyền các tỉnh.
Một số tỉnh đối mặt với các khoản nợ khổng lồ, chẳng hạn như Quý Châu và Tứ Xuyên, nhưng chỉ có thẩm quyền phát hành trái phiếu mới hạn chế do hệ thống hạn ngạch cho vay mà Trung Quốc áp đặt. Trong khi đó, tín dụng trong hệ thống tài chính đang bắt đầu thu hẹp khi cơ quan quản lý tiến hành loại bỏ thanh khoản dư thừa. Điều này có thể làm tăng khả năng vỡ nợ của các đối tượng đi vay.
Ông Terry Gao, người đứng đầu bộ phận tài chính công quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, rủi ro về những vụ vỡ nợ LGFV đầu tiên trong năm nay "luôn tồn tại". "Các LGFV của chính quyền địa phương gặp nhiều rủi ro và thử thách hơn", ông Gao nói.
Tuy vậy, do các khoản nợ LGFV mang lại lợi nhuận cao hơn (lợi suất 5%) so với trái phiếu 5 năm (lợi suất khoảng 3%) của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng vẫn sẽ có nhiều người mua trái phiếu LGFV.
Ivan Chung, phó giám đốc tài chính doanh nghiệp tại Moody's Investors Service, nói: "Các nhà đầu tư muốn thu được lợi nhuận cao có thể hứng thu với trái phiếu LGFV. Họ tin tưởng rằng các LGFV có 'liên kết chặt chẽ với chính phủ' và sẽ được chính quyền cứu trợ khi cần thiết".