Vấn đề ở chỗ YouTube có tồn tại được hay không chính là nhờ người tạo nội dung. Nói một cách dễ hiểu, người tạo nội dung đang nuôi sống YouTube. Vậy mà giờ đây họ cảm thấy như bị phản bội.
Nasim Aghdam được xem là phản ứng bạo lực đáp trả chính sách kiểm duyệt video gần đây của YouTube. Chính sách này chẳng khác gì “hất đổ bát cơm” của nhiều người tạo nội dung.
Phản kháng bạo lực
Bốn ngày sau khi rời nhà từ San Diego, người phụ nữ 39 tuổi Nasim Aghdam đã tới trụ sở YouTube tại San Bruno, California. Với khẩu súng lục trên tay, người này đã bắn 3 nạn nhân rồi sau đó tự sát.
Vậy điều gì đã dẫn tới bi kịch của Nasim Aghdam?
Chân dung thủ phạm vụ nổ súng tại trụ sở YouTube. |
Theo gia đình Nasim Aghdam, YouTube đã hủy hoại cuộc đời con gái họ bằng cách chặn tính năng kiếm tiền từ kênh video riêng. Cảnh sát cũng xác định đây chính là động cơ gây ra vụ nổ súng trên.
Ngay sau vụ nổ súng, kênh video của Nasim Aghdam đã bị YouTube khóa nhưng người ta vẫn có thể xem được video qua bản lưu trước đó.
Phần lớn video của Nasim Aghdam là các bài tập nâng cao sức khỏe và video ca nhạc. Tuy nhiên, chúng vẫn bị YouTube đưa vào diện hạn chế xem vì bị cho có nội dung nhạy cảm.
Đây chính là nguồn cơn gây nên sự tức giận. Trong các bài viết trước đó, Nasim Aghdam đưa ra bằng chứng cho thấy YouTube đã chặn người xem video của cô, đồng thời dẫn chứng nhiều video tương tự trên YouTube nhưng lại không bị chặn.
Nasim Aghdam tố YouTube “chơi bẩn” và đối xử không công bằng.
Chính sách kiểm duyệt gây tranh cãi
Nếu xem video trên YouTube hiện nay, người dùng sẽ cảm thấy ức chế vì có rất nhiều video rác và video có nội dung na ná nhau.
YouTube có chính sách lọc nội dung để hạn chế tình trạng này. Những người vi phạm thường bị khóa tính năng kiếm tiền thay vì bị cấm sử dụng nền tảng này.
Về mặt nào đó, các vấn đề YouTube gặp phải là không thể tránh khỏi. Nền tảng này rất rộng và hệ thống kiểm duyệt chủ yếu dựa trên báo cáo vi phạm của người dùng, thuật toán và quyết định vội vã của những chuyên viên YouTube.
Các quyết định cảm tính khiến không ít video bị “oan ức” và đương nhiên chủ nhân của chúng rất tức giận.
Nasim Aghdam tung bằng chứng tố YouTube chặn người xem video. |
Lọc video là động thái quyết liệt nhất YouTube từng làm. Chỉ hai tuần trước vụ nổ súng, nền tảng này đã thay đổi chính sách áp dụng với video súng đạn khiến hàng loạt kênh như TheGunCollective tức giận.
TheGunCollective có hàng trăm nghìn người đăng ký xem và dựng video về nội dung súng đạn.
Năm ngoái, khi YouTube bị chỉ trích vì để lọt các video có nội dung trẻ em, hãng đã áp dụng cơ chế kiểm duyệt dựa trên độ tuổi cho các video không phù hợp. Và đây chính là nguồn cơn gây nên sự giận dữ của Nasim Aghdam.
Với YouTube, các động thái gần đây cho thấy hãng đã có trách nhiệm hơn với người xem, nhưng lại xung đột với người tạo nội dung. Các chủ kênh chẳng vui vẻ gì khi thấy video của họ bị hạn chế xem hoặc bị cấm hoàn toàn.
Xung khắc giữa YouTube và người tạo nội dung ngày càng lớn hơn.
Tử vì đạo?
Sẽ là sai lầm nếu cổ súy cho phản ứng bạo lực của Nasim Aghdam, nhưng đứng từ quan điểm người tạo nội dung vốn đang ức chế với chính sách kiểm duyệt của YouTube, phản kháng của Aghdam là điều có thể hiểu được.
Nasim Aghdam thậm chí còn được một số dân mạng xem là người “tử vì đạo”.
“Nasim Aghdam là nạn nhân của các công ty hoạt động chính trị như @YouTube”, một tweet trong hashtag #CensorshipKills nói.
“Im lặng là điều vô cùng nguy hiểm. Tôi mới bị chặn Twitter 12 tiếng mà đã nổi điên lên rồi”, một người khác đáp lại.
“Có phải chúng ta đang thấy việc lấy đi tiếng nói tự do đã dẫn tới bạo lực?” người khác đặt câu hỏi.
#CensorshipKills đang là hashtag gây chú ý. Phần lớn dân mạng chỉ trích chính sách kiểm duyệt của YouTube. Một số kênh tin tức và truyền hình như InfoWars, Drudge Report và NRA đã đổ lỗi cho quyết định kiểm duyệt của YouTube dẫn tới thù hận.
Nhiều tweet lên án chính sách kiểm duyệt của YouTube gây nên bạo lực. |
“YouTube bị tấn công vì kiểm duyệt tự do ngôn luận”, “chính sách kiểm duyệt mang tính đàn áp của YouTube đã dẫn tới bạo lực”… là các tít tin dễ nhận thấy trong những ngày gần đây.
Nhiều người phàn nàn rằng video của họ bị chặn tính năng kiếm tiền và bị lọc theo cách giảm lượng người xem. YouTube từng cho rằng đây là vấn đề thực sự và năm ngoái hãng đã phải thay đổi thuật toán để gỡ bỏ bớt hạn chế khắt khe với video ít người xem.
Thậm chí, một số người tạo nội dung còn phàn nàn YouTube chặn các quan điểm và chủ đề video trái với chính sách của công ty này.
Mâu thuẫn giữa YouTube và người tạo nội dung xem ra vẫn chưa có hồi kết.