Sự xuất hiện của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở thời điểm này là vô cùng quan trọng khi cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra không khoan nhượng - các chuyên gia quốc tế nhận định.
Việc Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trở lại làm việc trong hai ngày qua một mặt đã xóa tan những tin đồn ác ý, mặt khác khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng sẽ vẫn được tiếp tục.
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt. Dự họp có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Ngày 15/5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, cho ý kiến về công tác chuẩn bị hội nghị Trung ương 10, khóa XII; kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác.
Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia quốc tế đều nhận định: Sự xuất hiện trở lại của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở thời điểm này là vô cùng quan trọng và phù hợp.
“Sự xuất hiện này như một lời khẳng định Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị sẵn sàng cho các sự kiện quan trọng sắp tới, nổi bật là Hội nghị Trung ương 10 và kỳ họp Quốc hội”, một nhà ngoại giao phương Tây nói với Zing.vn.
“Nó cũng cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đủ sức khoẻ để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra”, nhà ngoại giao này nói.
Chống tham nhũng: Thông điệp xuyên suốt
Chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt ngày 14/5, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Ông cũng khẳng định: Cuộc chiến chống tham nhũng, dù vừa qua đã làm rất nhưng phải được tiếp tục, không được nghỉ, không được chùng xuống, phải làm mạnh hơn nữa mới tốt.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng với hai từ khóa "lò nóng" và "củi tươi".
Chống tham nhũng là thông điệp xuyên suốt và nhất quán trong thời gian Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nắm quyền.
Giáo sư Zachary Abuza
“Chống tham nhũng là thông điệp xuyên suốt và nhất quán trong thời gian Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nắm quyền”, Giáo sư Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) nhận định.
“Tôi ấn tượng với nhấn mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ ‘cấp chiến lược’. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang mạnh tay xử lý hàng loạt quan chức cao cấp sai phạm, từ trung ương tới địa phương”, ông Abuza nói.
Đồng quan điểm, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định thêm: Công cuộc chống tham nhũng không chỉ trừng phạt những ai nhúng chàm, mà luôn cả những quan chức không làm tròn nhiệm vụ giám sát và phát hiện tham nhũng. Chính điều này đã giúp ngăn chặn nạn bè phái, lợi ích nhóm và cát cứ ở cấp địa phương.
Trong năm 2019, giới quan sát nhận định chiến dịch chống tham nhũng tiến hành song song với việc đưa ra những quy định nhằm giám sát chặt chẽ hơn quá trình công tác của các cán bộ thuộc diện Trung ương quy hoạch. “Điều này sẽ góp phần ngăn chặn những ứng viên không phù hợp và phát hiện các nhóm lợi ích dung dưỡng tham nhũng”, ông Thayer nhận định.
Chủ trì họp Bộ Chính trị ngày 15/5, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn Đại hội đảng bộ các cấp từ nội dung đến công tác nhân sự, tránh tình trạng sắp đến Đại hội chỉ lo nhân sự mà sao nhãng công việc thường xuyên. Ông nhấn mạnh: "Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng".
"Công việc sắp tới rất nhiều, phức tạp, thời gian còn lại rất ít, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận, đoàn thể cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, kịp thời hơn, bảo đảm để các hoạt động của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả cao," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu.
Triệt tiêu mọi lợi ích nhóm
Các chuyên gia trong và ngoài nước đều có cùng chung nhận định: Chống tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sĩ Nicholas Chapman (chuyên gia về chính trị Châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật Bản) nói: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn là người cam kết sâu sắc với cuộc chiến chống tham nhũng. Tôi cũng tin rằng ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh khôi phục đạo đức trong Đảng. Tôi tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đặt trọng tâm vào việc triệt tiêu mọi mâu thuẫn và lợi ích nhóm ngáng đường công cuộc chống tham nhũng”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ đặt trọng tâm vào việc triệt tiêu mọi mâu thuẫn và lợi ích nhóm ngáng đường công cuộc chống tham nhũng.
Tiến sĩ Nicholas Chapman
Theo ông Chapman, chiến dịch chống tham nhũng gieo một hạt giống về thái độ làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp và nói không với tham nhũng. Đương nhiên hạt giống cần thời gian để nảy lộc, lớn lên đòi hỏi thời gian để phát triển, nhưng ít nhiều đã có những kết quả khả quan.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm quan chức sai phạm, các chuyên gia cho rằng công cuộc chống tham nhũng còn là một cú hích với kinh tế, thu hút dòng vốn nước ngoài.
Trước đây từng có quan ngại cho rằng công cuộc chống tham nhũng sẽ làm chùn chân các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về một môi trường chính trị bất ổn. Thực tế, đây lại là một cú hích với nền kinh tế khi dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam liên tục tăng.
Dẫn lại các con số từ một khảo sát của Financial Times, ông Chapman nhận định triển vọng đầu tư vào Việt Nam vẫn cải thiện. Việt Nam thu hút 17 tỷ USD vốn FDI năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM cũng bùng nổ và thị trường chứng khoán đón nhận hàng loạt các thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
“Các nhà đầu tư tôi tiếp xúc ở Nhật đều bày tỏ sự hài lòng và cả niềm tin với cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, lãnh đạo”, ông Chapman nói.
Theo các chuyên gia, vấn đề cấp bách nhất từ cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính là quyết tâm không khoan nhượng: Tham nhũng - bất kể cấp độ nào - đều sẽ phải chịu hậu quả.
TS Chapman đúc kết: “Chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Phú Trọng, tín hiệu mạnh mẽ về chống tham nhũng sẽ được gửi đến toàn Đảng, toàn dân. Cam kết của ông để khôi phục niềm tin vào Đảng là rất quan trọng. Tôi tin rằng ông đang thực hiện các bước thích hợp”.