Góc khuất đau đớn cuộc đời của các bầu show
Cùng với Phước Sang, nhiều ông bầu như Mạnh Dũng, Duy Ngọc cũng trải qua cuộc sống sự nghiệp thăng trầm, thậm chí khi qua đời chẳng có một nén nhang.
Nghệ sĩ - bầu show, mối quan hệ có lúc tưởng chừng như không thể tách rời ấy lại được nối với nhau bằng một "sợi dây" rất lỏng lẻo mà người ta vẫn gọi là tiền. Tất nhiên cũng có những người vẫn đến với nhau vì tình cảm nhưng con số ấy cũng hiếm như số lần nguyệt thực diễn ra trong một năm.
Khi qua đời cũng thiếu một nén hương
Đã là nghệ sĩ, bạn phải quen với ánh đèn flash của máy ảnh nhưng nhiều người quen đến mức tưởng chừng như không thể sống thiếu nó. Chắc chắn không mấy ai còn nhớ đến đám tang của Minh Dũng, một bầu show lớn nhất nhì Sài Gòn, dù anh rời cõi tạm chưa tròn 3 tháng.
Minh Dũng xuất thân là một nhà ảo thuật, anh vốn là cháu của một bầu show nổi tiếng thường được giới nghệ sĩ gọi thân thương là "ba Duy Ngọc". Phàm là nghệ sĩ, chẳng ai lắc đầu khi nhắc đến Duy Ngọc, cái tên quyền lực của các sân khấu ca nhạc từ những năm 60. Không biết bao nhiêu thế hệ ca sĩ, diễn viên đều thành danh nhờ gia đình ấy, từ B.T, H.C, K.C cho đến sau này là N.S, Đ.V, P.T, Đ.V.H... Vậy mà khi Minh Dũng nằm xuống, rất ít nghệ sĩ đến thắp một nén hương. Có nhiều người bận chạy show ở chân trời nào đó, cũng có người bận việc nọ việc kia. Một khi đã muốn bận, họ chẳng thiếu bất cứ lý do nào để biện hộ cho sự vắng mặt của mình.
Người ngoài nhìn vào chỉ biết thương thay cho một kiếp người, sống cả đời nghệ sĩ vây quay nhưng đến khi chết lại chẳng mấy ai nhớ đến. Cũng có khoảnh khắc ai đó trộm nghĩ: "Có lẽ cũng do truyền thông không đến đưa tin" và họ cũng nhanh chóng gạt đi cũng bởi một suy nghĩ khác: "Dù gì nghĩa tử cũng là nghĩa tận".
Nhưng cuộc đời đâu ai biết được chữ ngờ, tối đưa Minh Dũng về nhà, cậu anh - bầu Duy Ngọc - ốm yếu, già nua như thế cũng lập cập chạy ra sân khấu Trống Đồng để năn nỉ nghệ sĩ: "Tối tụi con hát xong, tụi con sang nhà bác thắp cho anh Dũng nén hương. Đám ma lạnh lẽo quá". Vậy mà... cũng chẳng ai qua, kể cả những người từng gọi anh là "ca ca", một cách gọi thân mật thường thấy trong phim Trung Quốc. Có lẽ họ bận thật.
Ngã ngựa mới biết ai là bạn
Một nữ bầu show khác của đoàn ca nhạc Sao Đêm cũng lâm vào tình cảnh bi ai không kém. Nếu đoàn của bầu show D.N chuyên hát Sài Gòn và miền Tây, đoàn của chị chuyên biểu diễn ở miền Trung và Hà Nội. Một thời, nhiều nghệ sĩ xây nhà cửa, sắm biệt thự cũng nhờ đoàn. Sao Đêm đi đến đâu, khán giả lại vây kín đến đó. Nghệ sĩ đi theo chị luôn được ở khách sạn hạng sang, không ở dạng bình thường. Nói như vậy mới biết người bầu show cưng "gà" như thế nào.
Nhưng ai cũng chỉ có một thời đỉnh cao, khi âm nhạc bị thoái trào, nhiều bầu show thất thế, người nắm giữ Sao Đêm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Từ một người có tất cả, chị trở về với hai bàn tay trắng. Nhà cửa, đất đai, xe cộ mất hết, làm bao nhiêu không đủ để đắp lỗ, càng làm càng mất - điều này một phần cũng do bầu show ngày xưa "sĩ diện" ghê lắm. Nghệ sĩ nói bao nhiêu trả đủ bấy nhiêu để còn giữ quan hệ, không cò kè, thêm bớt một đồng như bây giờ.
Phước Sang. |
Mất tiền đã đành một nhẽ, đằng này lại thiếu cả tình người. Lúc sa cơ, thất thế, khi ở trong tình trạng yếu đuối nhất, chị nhìn chung quanh mình chẳng thấy mấy ai. Những người từng được Sao Đêm nâng đỡ giờ cũng đành ngoảnh mặt làm ngơ. Đến bước đường cùng, sau khi mua một căn nhà trả góp của N.P.H, chị chọn cửa Phật làm nơi gửi gắm.
Đến bước đường cùng vẫn còn bị lợi dụng
Chuyện của một nhà làm phim tư nhân cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Chắc hẳn nhiều người rất ngạc nhiên khi nghe tin anh vỡ nợ, bởi phim nào của Phước Sang ra rạp cũng rần rần. Dù vẫn còn đó không ít lời chê, nhưng điều quan trọng là anh đã kéo được họ đến rạp và thay đổi phần nào con mắt nhìn của khán giả Việt về phim Việt.
Không chỉ là người tạo ra trào lưu mới trong điện ảnh, Phước Sang còn là người có công vực dậy tiếng tăm và tạo điều kiện đóng phim cho một giọng ca nổi tiếng đang ở bên kia con dốc. Có thể nói nhờ anh, người nghệ sĩ ấy sống lại trong tim khán giả và vẫn đắt show phim ảnh cho đến bây giờ. Vẫn biết là nghệ sĩ làm việc với nhau đâu tránh được những hờn giận bởi ai cũng vô cùng mong manh và nhạy cảm. Nhưng giận đến mức biết anh sa cơ vẫn làm như không biết, không một câu hỏi han người đã cho mình vai diễn điện ảnh đầu đời đó có phải là điều nên làm?
Bao nhiêu đó chưa đủ chua chát, biết anh rơi vào cảnh khổ, một màn kịch nghĩa hiệp còn được dựng lên dưới cái tên "họp báo" khiến bao nhiêu người mất công mừng mừng tủi tủi cho số phận của nhà làm phim có tiếng. Người này đứng ra lãnh nợ ngần này tiền, người khác lại chấp nhận thay Phước Sang trả nợ một con số không nhỏ. Màn kịch này khéo đến nỗi nhiều người chắc mẩm với anh: "Phen này sống rồi anh ơi".
Vậy mà cuối cùng khi chủ nợ gọi, họ lại buông lời ráo hoảnh: "Chúng tôi chỉ đứng ra dàn xếp vậy thôi, chẳng biết gì cả".
Ừ thì việc nhà mình còn chưa xong, ai hơi đâu đứng ra trả nợ cho "người dưng". Ừ thì giá như họ đừng là diễn viên nổi tiếng.
Theo TTVN