Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc khuất của gia tộc giàu nhất nước Đức đứng sau BMW

Là một trong 10 gia tộc giàu nhất thế giới và nắm quyền kiểm soát tập đoàn BMW nhưng gia tộc Quandt lại có những góc khuất liên quan tới phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai.

Với khối tài sản hơn 40 tỷ USD, gia tộc Quandt được xem là gia đình giàu có nhất nước Đức nhưng hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Có một lí do giải thích cho điều này: Dù đã đưa BMW trở thành một trong những tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, thế hệ đầu tiên của gia tộc Quandt đã gây dựng nên cơ nghiệp của mình bằng việc hợp tác với Đức Quốc Xã và bóc lột tù nhân ở trại tập trung trong Thế chiến thứ hai.

Từ ông trùm vũ khí thân thiết với Đức Quốc Xã

Câu chuyện của gia tộc đứng sau BMW bắt đầu với Gunther Quandt. Là con của một gia đình làm nghề may mặc, Gunther Quandt trở nên giàu có sau khi kết thúc Thế chiến thứ nhất nhờ vào các hợp đồng cung cấp đồng phục cho quân đội Đức.

Sau chiến tranh, Gunther bắt đầu mua lại các công ty công nghiệp sắp phá sản do khủng hoảng kinh tế và lạm phát phi mã, qua đó tham gia vào nhiều ngành sản xuất khác nhau.

Trong số này, ông tập trung nhiều nhất vào doanh nghiệp sản xuất pin AFA, sau đổi tên sang Varta. Ông sau đó hợp tác với chính phủ Đức Quốc Xã và nhanh chóng thu về những khoản lợi nhuận lớn khi cung cấp pin và ắc quy cho các thiết bị quân sự của phát xít Đức như tàu ngầm và tên lửa tầm xa. Thời kì này, Gunther Quandt được xem như một trong những ông trùm vũ khí lớn nhất ở Đức.

Goc khuat cua gia toc giau nhat nuoc Duc dung sau BMW anh 1
Gunther Quandt, người đã gây dựng nên cơ nghiệp của gia tộc giàu nhất nước Đức ngày nay. Ảnh: Bundesarchiv.

Gunther cũng quyên tặng nhiều khoản hào phóng và gia nhập đảng của Hitler, duy trì mối quan hệ với nhiều yếu nhân trong chính quyền. Ông ta thậm chí còn được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo kinh tế chiến tranh của chính phủ Đức.

Năm 1943, công ty của gia đình Quandt thành lập một trại tập trung ngay bên cạnh nơi sản xuất pin của mình tại Hanover và bóc lột sức lao động của các tù nhân trong trại gồm người Do Thái, tù binh chiến tranh, lao động cưỡng bức từ Pháp và Tiệp Khắc.

Bộ phim tài liệu “Sự im lặng của gia tộc Quandt” ra mắt năm 2008 đã tiết lộ những điều kiện làm việc khắc nghiệt tại đây như việc tù nhân không có quần áo bảo hộ dù phải tiếp xúc với kim loại nặng để sản xuất pin cũng như không có nước uống qua lời kể của những nhân chứng còn sống. Gunther Quandt thậm chí còn tính toán cần thêm 80 tù nhân mới mỗi tháng tương ứng với số người sẽ chết ở đây.

Goc khuat cua gia toc giau nhat nuoc Duc dung sau BMW anh 2
Benz Ferencz - một nhân vật trong bộ phim tài liệu "Sự im lặng của gia tộc Quandt" ra mắt năm 2008. Ảnh: dirkdeklein.net.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, cùng với sự sụp đổ của Đức Quốc Xã, các công ty công nghiệp từng hợp tác với chính phủ của Hitler bị phe đồng minh truy tố. Nhưng Gunther Quandt may mắn không bị kết án vi phạm tội ác chiến tranh. Lý do là chính quyền mới muốn khôi phục sản xuất càng sớm càng tốt thay vì tiêu diệt các nhà kinh doanh. Về cuối đời, Gunther Quandt được cho là đã tỏ ra hối hận khi dính líu đến Hitler.

Đến người giải cứu BMW và gia tộc giàu có nhất nước Đức

Năm 1954, Gunther Quandt qua đời. Quyền điều hành các công ty cũng như tài sản của ông được chia đều cho hai người con trai: Herbert và Harald Quandt. Harald quản lý các công ty sản xuất máy móc và kim loại trong khi Herbert chịu trách nhiệm với các doanh nghiệp dệt may, hóa chất, điện và ôtô.

Sau chiến tranh, BMW là một trong những nhà sản xuất ôtô gặp nhiều khó khăn nhất ở Đức. Đơn vị này liên tục thua lỗ và đã chuẩn bị tuyên bố phá sản vào năm 1959. Hans Feith, người đứng đầu ban lãnh đạo của BMW lúc đó đưa ra 2 sự lựa chọn: hoặc là phá sản, hoặc là bán mình cho công ty đối thủ Daimler-Benz, sở hữu thương hiệu Mercedes.

Gia tộc Quandt thời điểm này đang nắm 10% cổ phần của Daimler-Benz và 30% cổ phần của BMW. Herbert gần như đã đồng ý với phương án Daimler-Benz sẽ mua lại BMW. Tuy nhiên, chính sự phản đối đến từ công đoàn và những người công nhân của BMW đã làm Herbert thay đổi suy nghĩ. Ông quyết định tăng tỷ lệ sở hữu của mình với BMW lên gần 50% để nắm quyền chi phối và ngăn chặn vụ sáp nhập bất chấp sự khuyên ngăn của tất cả cố vấn tài chính về những rủi ro khổng lồ có thể xảy ra.

Goc khuat cua gia toc giau nhat nuoc Duc dung sau BMW anh 3
Herbert Quandt, người đã giải cứu BMW khỏi vụ sáp nhập vào Daimler-Benz. Ảnh: DPA.

Kể từ đây, lịch sử của BMW rẽ sang một trang mới. Các mẫu xe trước đó chỉ nằm trên giấy bắt đầu được sản xuất và đưa ra thị trường. Các thế hệ xe mới của BMW được thiết kết theo phong cách “Neue Klasse” và trở thành nền tảng cho những dòng xe BMW hiện đại sau này.

Chưa đầy 2 năm sau khi suýt bị sáp nhập, mẫu xe BMW 1500 được giới thiệu lần đầu tại triển lãm Frankfurt. BMW 1500 đã tổng hòa hai yếu tố, được sản xuất hàng loạt mà vẫn mang những đặc điểm của các mẫu xe sang có số lượng giới hạn. Chính BMW 1500 đã đánh dấu cuộc cách mạng chuyển mình của BMW.

Năm 1963, BMW 1800 ra đời và tiếp nối những kết quả tích cực của đàn anh BMW 1500. Từ đây, BMW trở lại đường đua của những nhà sản xuất xe hơi số một thế giới và càng ngày càng thành công hơn.

Goc khuat cua gia toc giau nhat nuoc Duc dung sau BMW anh 4
Mẫu xe BMW 1500 mở ra thời kì thành công cho BMW.

Trong suốt thời gian này, Herbert Quandt vẫn nắm quyền cao nhất ở BMW. Tuy nhiên, Herbert rất tin tưởng bộ máy quản trị phân quyền của mình và bắt đầu trao bớt quyền điều hành BMW cho cấp dưới. Đến năm 1969, ông bổ nhiệm Von Kunheim làm giám đốc điều hành, người chỉ một thời gian ngắn sau đã định vị BMW từ một thương hiệu bình thường trở thành một hãng xe sang cạnh tranh trực tiếp với Mercedes-Benz.

Về đời tư, Herbert Quandt đã kết hôn 3 lần và có tất cả 6 người con. Sau khi ông qua đời năm 1982, Johanna - người vợ ba của Herbert thừa kế quyền lực của chồng và sau đó trở thành một thành viên của ban giám sát BMW.

Sau khi Johanna Quandt từ nhiệm vào năm 1997, hai con của bà là Susanne Klatten và Stefant Quandt đại diện gia đình mình tham gia vào hội đồng giám sát công ty. Đến năm 1997, Stefant Quandt trở thành phó chủ tịch hội đồng này.

Goc khuat cua gia toc giau nhat nuoc Duc dung sau BMW anh 5
Từ trái qua: Stefant Quandt, Johanna Quandt và Susanne Klatten năm 2009. Ảnh: DPA.

Ngày nay, dù không có ai nằm trong ban giám đốc công ty, gia tộc Quandt vẫn nắm trong tay quyền lực rất lớn đối với BMW khi Stefant Quandt và Susanne Klatten lần lượt giữ 25.8% và 19.2% cổ phần của tập đoàn. Stefant Quandt cũng là cổ đông lớn nhất tại BMW hiện nay.

Tính tới tháng 10/2018, Stefant Quandt sở hữu khối tài sản ròng ước tính đạt 18,6 tỷ USD, xếp hạng thứ 42 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Chị gái của Stefant, Susanne xếp trên ông 10 bậc với 21,5 tỷ USD nhờ vào việc có thêm cổ phần ở nhiều công ty khác như hãng hóa chất Altana, hãng năng lượng gió Nordex AG và công ty sản xuất carbon, than chì SGL&Geohumus. Susanne Klatten đồng thời là người phụ nữ giàu nhất nước Đức.

Giàu thứ ba thế giới, tỷ phú Warren Buffett tiêu tiền thế nào?

Buffett dự định chỉ cho các con mỗi người 2 triệu USD, "đủ để chúng cảm thấy có thể làm mọi thứ nhưng không quá nhiều để không làm gì cả".





Việt Đức

Bạn có thể quan tâm