Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góa phụ 30 năm tìm hài cốt của chồng liệt sĩ

Từ khi nhận được giấy báo tử đến nay đã hơn 30 năm, nhưng chưa một ngày bác Nghĩa ngừng liên hệ với các anh em chiến hào về ước nguyện cuối cùng còn dang dở

Góa phụ 30 năm tìm hài cốt của chồng liệt sĩ

Từ khi nhận được giấy báo tử đến nay đã hơn 30 năm, nhưng chưa một ngày bác Nghĩa ngừng liên hệ với các anh em chiến hào về ước nguyện cuối cùng còn dang dở

3 mảnh đời góa phụ vì chiến tranh

Chuyện về 3 người phụ nữ góa chồng canh giấc ngủ ngàn thu cho các chiến sĩ đã an nghỉ nơi chín suối không chỉ người dân xã Yên Lộc biết, mà tấm lòng đó vang xa khắp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ba góa phụ là Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột và Nguyễn Thị Nghĩa cùng ở xóm 7, xã Yên Lộc, huyện Ý Yên.

3 người góa phụ ngày ngày canh giấc ngàn thu cho các anh hùng liệt sĩ.

Tìm về xã Yên Lộc, hỏi thăm chuyện 3 phụ nữ son sắt chờ chồng liệt sĩ chăm giấc ngủ cho các đồng đội tại nghĩa trang thì ai cũng bày tỏ sự xót xa cho gia cảnh éo le của họ. Tới nghĩa trang Yên Lộc vào ngày cuối tháng 7, dù trời mưa nhưng vẫn thấy bóng dáng 3 người. Người thì lưng còng hái hoa dọn cỏ, người thì cặm cụi dọn dẹp các mộ phần.

Ba người này đều có chồng hy sinh trên chiến trường và chịu cảnh góa phụ từ khi còn rất trẻ, song họ vẫn son sắt mong chờ tin chồng từ chiến trường. Nhiều năm liền họ tự nguyện ra nghĩa trang liệt sĩ của xã để lau dọn các phần mộ cho các anh hùng liệt sĩ.

Hằng ngày 3 người phụ nữ dọn dẹp nghĩa trang.

Chan chứa tình nghĩa, bà Nguyễn Thị Hè (SN 1944) cho biết có chồng là liệt sĩ Đinh Văn Tâng (SN 1948) nhập ngũ tháng 1/1968 và năm 1972 thì hy sinh tại Long Khốt (sau này mới biết đó là nghĩa trang a Kay, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).

Hai vợ chồng cưới nhau được 3 tháng chưa kịp có con thì anh vào chiến trường. Khi hay tin chồng hi sinh, bà đang ở tuổi 27, dù bố và gia đình nhà chồng cho phép và khuyên nhủ con dâu đi bước nữa, nhưng bà Hè vẫn son sắt một lòng một dạ ở vậy. Bà xin nuôi con của anh trai cho vui cửa vui nhà. Sau này biết tin mộ chồng được chôn cất ở Long An, nhưng gia cảnh khó khăn bà không thể tự chuyển mộ về quê hương được.

Còn bà Nguyễn Thị Hột có chồng là liệt sĩ Phạm Văn Thâu (SN 1949) nhập ngũ 1972 và hy sinh năm 1974 tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. 2 vợ chồng lấy nhau và có một người con gái, và bà cũng ở vậy một mình nuôi con ăn học.

Còn bà Nghĩa (SN 1950) có chồng là liệt sĩ Trần Văn Hải (SN 1953) nhập ngũ năm 1973. Tới năm 1976, bà không còn nhận được thư tay hoặc thông tin của chồng.

3 người phụ nữ cùng giữ một lời hứa son sắt thủy chung. Cả 3 người hàng tháng đều ra nghĩa trang của xã để thắp hương, chăm sóc phần mộ liệt sĩ và mong ước sẽ có một ngày đưa được mộ chồng về. Đến năm 2008, nhờ chính sách hỗ trợ của chính quyền và các đồng chí chiến hữu, bà Hè và Hột đưa được mộ phần của chồng về nơi an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà.

Hàng ngày, mỗi khi xong việc đồng áng, 3 góa phụ đều tụ họp ở nghĩa trang để quét dọn lá cây, dọn cỏ, trồng hoa bất kể trời nằng hay mưa.

Người cuối cùng mòn mỏi tìm mộ chồng

Chứng kiến 2 người chị đã tìm được mộ chồng, bà Nghĩa không giấu được nỗi buồn khi chưa thực hiện được mong muốn cuối cùng.

Bà rưng rưng nói: “Ngày nhận giấy báo tử của chồng là vào đầu tháng giêng năm 1978. Đồng đội kể rằng giặc đã đánh tan hầm của anh Hải nên không ai biết rõ thi thể ở đâu. Tôi không nghĩ là chồng mình đã hy sinh mà vẫn coi như chồng đang đi bộ đội".

Ước nguyện lớn nhất của bà Nghĩa bây giờ là tìm được mộ của chồng.

Nhiều lần thấy cảnh sum vầy của gia đình hàng xóm, tiếng vợ chồng nhà người đưa đón con cái đi học, đi chơi khiến bà Nghĩa không khỏi chạnh lòng. "Thương mình một thì thương cho con gái mười. Thiếu thốn tình cảm và sự che chở của người cha là thiệt thòi lớn", bà tâm sự.

Hiện ở với gia đình con gái, bà Nghĩa đã qua cái tuổi lục tuần, hàng ngày vẫn chăm sóc nghĩa trang và theo dõi tin tức về các liệt sĩ trên báo, đài. Bà cũng liên hệ nhiều anh em, chiến sĩ đồng đội và cả các cấp chính quyền với mong muốn tìm được hài cốt của chồng để mang về quê nhà hương khói.

Ông Phạm Văn Khiêm, Phó chủ tịch xã Yên Lộc, cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ và động viên về tinh thần đển ơn đáp nghĩa của 3 người phụ nữ thường xuyên dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ và gia cảnh của họ. Xã có hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí để các bà hương khói cho các chiến sĩ an nghỉ. Trường hợp của bà Nghĩa chưa tìm được mộ chồng, xã cũng luôn mong muốn góp phần chung sức để giúp gia đình đạt được nguyện vọng”.

Nguyễn Hoàn – Kinh Vân

Theo Infonet

 

Nguyễn Hoàn – Kinh Vân

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm