Gmobile than lỗ nặng khi roaming VinaPhone
Tưởng được roaming với VinaPhone, mạng di động Gmobile sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển dịch vụ, tăng trưởng thuê bao, nguồn thu… nhưng thực tế không “ngon ăn” đến vậy.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo cấp phó của Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu (Gtel Mobile) than thở: hiệu quả kinh doanh kể từ khi Gmobile “dùng sóng” VinaPhone đến nay là chưa tích cực. Lý do chính là bởi giá kết nối roaming quá cao.
Theo hợp đồng, khi thuê bao Gmobile ở trong vùng sử dụng sóng VinaPhone, mỗi phút thuê bao gọi đi hoặc nhận cuộc gọi Gtel phải trả cho VinaPhone 450 đồng. Như vậy nếu hai thuê bao Gmobile đều trong vùng dùng sóng VinaPhone liên lạc với nhau thì Gtel phải trả cho VinaPhone cước chuyển vùng tương đương 900đ/phút trong khi trên thực tế đây vẫn là liên lạc nội mạng giữa hai thuê bao Gmobile.
Ước lượng với dung lượng hiện nay, Gmobile có thể lỗ khoảng trên 750 triệu đồng/tháng. |
Trên thị trường, mặc dù giá niêm yết nội mạng là khoảng 1.200 đồng phút, tuy nhiên thường các nhà mạng đều thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá nên giá trên thị trường hiện nay trung bình chỉ khoảng 200 đồng/phút. “Giá thị trường là 200 đồng, giá roaming là 900 đồng thì càng kinh doanh càng lỗ nặng”, vị cấp phó trên nói.
“Với giá quá cao như trên và với dung lượng ước lượng hiện nay thì Gmobile có thể lỗ khoảng trên 750 triệu đồng/tháng”, lãnh đạo mạng di động Gtel tính toán.
Khó khăn về giá roaming khiến mạng di động Gmobile mới chỉ dám cung cấp dịch vụ chuyển vùng cho thuê bao hiệu hữu và coi dịch vụ roaming là dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng di chuyển đến vùng Gmobile không có sóng.
Cũng chính vì mức lỗ này mà với những gói cước mới sử dụng sóng VinaPhone để phát triển thuê bao mới thì Gtel vẫn chưa dám triển khai.
Thừa nhận việc triển khai kỹ thuật roaming giữa Gmobile và VinaPhone rất nhanh, chất lượng dịch vụ tốt nhưng vị cấp phó trên chia sẻ, một vài tháng roaming với VinaPhone vừa qua mới thấy “cực” chẳng khác gì cảnh “đi ở nhà thuê”.
Mới chỉ ký hợp đồng roaming với VinaPhone vài tháng nhưng điện thoại khách hàng của Gmobile cũng đã vài lần phải chịu cảnh mất sóng khi ở các vùng roaming với VinaPhone, thời gian cắt sóng nhanh thì vài tiếng, lâu thì vài ngày.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do vấn đề lưu lượng. Theo hợp đồng ký kết, tại những điểm roaming, nếu lưu lượng trên hệ thống mạng vượt 60% thì việc roaming sẽ bị cắt. Khi nào lưu lượng xuống dưới 60% thì VinaPhone mới mở lại.
“Khi khách hàng đang sử dụng dịch vụ tự nhiên sóng mất hút, có lúc mất vài tiếng, có lúc mất tới hai ba ngày. Kinh doanh như vậy chỉ có nước khách hàng bỏ mạng đi hết”, vị cấp phó trên ngậm ngùi.
Không chỉ thiệt hại về vật chất mà quan trọng hơn, hình ảnh và uy tín của Gmobile sẽ ngày càng xấu đi trong con mắt của khách hàng, nếu tình trạng này còn tiếp diễn trong thời gian dài.
Theo VnEconomy.