Global Witness muốn gì ở bầu Đức?
Tổ chức phi chính phủ này muốn các công ty trên toàn cầu, (đặc biệt ở những nước đang phát triển) khi kinh doanh phải bảo vệ môi trường và sinh kế của người nghèo theo những tiêu chuẩn cao.
Nếu chỉ nhìn vào cáo buộc “lâm tặc” với căn cứ thông tin yếu của Global Witness và việc họ từ chối đối chất với bầu Đức trước nhiều hãng thông tấn lớn của thế giới, chỉ muốn gặp riêng thì có thể suy luận rằng tổ chức này đã sai hoặc có gì đó mờ ám. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu mà tổ chức này muốn đạt tới thì không có gì khó hiểu.
Trên thực tế, Global Witness mong muốn nhận được sự quan tâm của cộng đồng thế giới về bảo vệ môi trường và sinh kế của người nghèo, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Những bằng chứng mà họ thu thập được (chưa bàn đến chuyện đúng sai) nếu đưa ra và nhận được sự phản hồi và quan tâm thực sự của những người liên quan; rồi sau đó, tiến triển tốt được thực hiện thì họ coi như thành công bước đầu. Cách làm này cũng khá tương đồng với triết lý đầu tư của một nhà tài trợ lớn nhất cho họ - tỷ phú George Soros: Điều quan trọng là chung cuộc được hay thua bao nhiêu tiền chứ không cần biết trong quá trình đó thắng hoặc thua bao nhiêu lần.
Nếu so sánh với việc nhiều người biểu tình chống toàn cầu hóa ở Davos (Thụy Sĩ) thì cách làm của Global Witness cũng có nét giống. Họ cùng mong muốn cho một thế giới tốt đẹp, bình đẳng hơn nhưng đôi khi có những hành động hơi quá so với cách thức thông thường.
Người dân tỉnh Attapeu (Lào) làm việc tại vùng cao su của HAGL. Ảnh: Tuổi trẻ |
Trao đổi về vụ bầu Đức – Gloabal Witness, một lãnh đạo cấp cao của Dragon Capital chia sẻ: “Nếu họ (chỉ Global Witness) cứ một mực khẳng định việc Hoàng Anh Gia Lai phá rừng và tuyên bố điều đó khắp mọi nơi thì đó là quyền của họ. Và lẽ ra nếu như mọi người đều thấy những yếu tố sai lệch trong đó và không nói đến nữa thì mọi việc sẽ lắng xuống. Vấn đề là có nhiều người quan tâm quá và anh Đức lại nói không khéo lắm về vấn đề này”.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội phân tích: “Quan điểm về môi trường mà mỗi bên giữ các tiêu chuẩn khác nhau thì sẽ có những kết cục rất buồn cười”. Ví dụ, ở các nước châu Âu, ô tô xe máy phải chạy theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3-4 thậm chí 5; các công ty sản xuất dưới tiêu chuẩn này sẽ không được lưu hành và bị phạt. Thế nhưng, ở Việt Nam, các xe chỉ đạt khoảng Euro 2 hoặc dưới vẫn chạy bình thường và công ty sản xuất, lắp ráp những chiếc xe này không bị cáo buộc là phá hoại hoặc đầu độc môi trường bằng khí thải độc hại.
“Mỗi quốc gia có trình độ phát triển khác nhau và có các tiêu chuẩn môi trường phù hợp mới có thể triển khai được và đem lại lợi ích cho đa số người dân nước đó. Còn nếu áp dụng tiêu chuẩn môi trường ở nước phát triển cho Campuchia, Lào, hay Việt Nam thì sẽ rất khó. Điều này tương tự như việc người thành phố, ở nhà có cửa kính, trời nóng quá thì dùng điều hòa mát lạnh rất thích và có lợi. Thế nhưng, khi về quê, nhà tranh vách nứa, hở khắp nơi mà cứ đòi lắp điều hòa cho mát thì không phù hợp”, ông này nhận định.
Vậy sau vụ ầm ĩ về cáo buộc “lâm tặc” với Hoàng Anh Gia Lai, Global Witness muốn điều gì ở bầu Đức? Chắc chắn họ không làm điều đó để “xin tài trợ” như phán đoán riêng của Chủ tịch HAGL. Họ cũng không muốn đưa ra cáo buộc để những công ty đang góp phần cải thiện cuộc sống của hàng chục nghìn người Campuchia cũng như nền kinh tế nước này như HAGL bị lụi bại.
Global Witness đơn giản muốn bầu Đức cũng như nhiều chủ doanh nghiệp khác tại Lào, Campuchia cũng như các nước đang phát triển nói chung, ý thức mạnh mẽ hơn về trách nhiệm xã hội của mình trong việc bảo vệ môi trường cũng như sinh kế của mọi người dân trên vùng đất họ kinh doanh và có những hành động cải thiện phù hợp. Và ở khía cạnh này, tổ chức đưa ra cáo buộc với những bằng chứng sai lệch dành cho HAGL đang thành công.
Hoàng Ly
Theo Infonet