Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giun tung hoành trong bụng vua gù của nước Anh

Richard III không chỉ đặc biệt với chiếc lưng gù và thời gian trị vì ngắn ngủi, mà còn đặc biệt bởi ông nhiễm giun đũa, một điều khó tin đối với các vị vua.

Vua Richard III (1452-1485) trị vì nước Anh từ năm 1483 tới khi qua đời. Ông là vị vua cuối cùng của triều đại nhà York và cũng là nhà cai trị cuối cùng của nước Anh thời Trung Cổ. Quãng thời gian trị vì ngắn ngủi của Richard III kết thúc khi ông chết giữa trận địa trong cuộc chiến tranh Hoa Hồng. Các tài liệu lịch sử ghi nhận người ta chôn Richard III trong tu viện Greyfriars của dòng tu Franciscan tại thành phố Leicester sau khi ông tử trận vào năm 1485. Nhưng sau khi tu viện Greyfriars bị phá hủy trong thời đại của vua Henry VIII, người ta không thể xác định được nơi yên nghỉ của vua Richard đệ tam nữa. Từ đó nơi yên nghỉ của ông trở thành một bí ẩn lịch sử.

William Shakespeare, thi hào lừng danh của nước Anh, từng mô tả vua Richard III là một nhà cai trị gù, khao khát quyền lực và tàn nhẫn. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, ngoài chứng vẹo xương sống, vua Richard còn phải chịu đựng sự quấy phá của giun đũa.

Vị trí của hài cốt vua Richard III trong bãi đỗ xe của hội đồng thành phố Leicester, Anh. Ảnh: Guardian.

Mối quan tâm của giới nghiên cứu đối với vua Richard III tăng lên từ khi các nhà khoa học phát hiện hài cốt của ông bên dưới một bãi đỗ xe ở thành phố Leicester, Anh vào tháng 8/2012. Kết quả phân tích DNA khẳng định người nằm bên dưới bãi đỗ xe chính là vua Richard III.

Trong quá trình khai quật hài cốt vua Richard III, người chào đời vào năm 1452 và cai trị Anh từ năm 1483 tới năm 1485, các nhà khoa học đã lấy mẫu đất trong mộ ông để phân tích nhằm hiểu rõ hơn sức khỏe và chế độ ăn của ông. Họ phát hiện số lượng lớn trứng giun đũa (Ascaris lumbricoides) trong mẫu đất mà phần bụng của ông từng nằm ở phía trên, Livescience đưa tin.

Để kiểm chứng kết quả, nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu đất trong hộp sọ và xung quanh mộ để phân tích. Họ không thấy trứng giun trong mẫu đất từ hộp sọ, nhưng phát hiện trứng giun trong mẫu đất xung quanh mộ - với số lượng chỉ bằng 1/15 so với số trứng giun trong mẫu đất trong mộ.

“Điều đó cho thấy hệ thống dẫn nước thải đã đưa trứng giun tới khu vực xung quanh mộ, nhưng đó không phải là trứng giun trong cơ thể vua Richard”, Piers Mitchell, một nhà nhân chủng sinh học của Đại học Cambrigde, phát biểu.

Một bức chân dung vua Richard III. Ảnh: Guardian.

Mitchell khẳng định chắc chắn rằng vua Richard III đã phải sống cùng những con giun đũa trong bụng ông.

“Chúng ta không thể giải thích theo hướng nào khác về sự hiện diện của quá nhiều trứng giun đũa trên vị trí mà hệ tiêu hóa của vua Richard III từng nằm ở phía trên”, Mitchell lập luận.

Nhóm nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của sán dây hay các loại ký sinh trùng khác trong cơ thể vua Richard III. Thực tế đó cho thấy các đầu bếp đã xử lý tốt thức ăn của ông.

Giun đũa sống trong hệ tiêu hóa của người. Chúng xâm nhập vào cơ thể người qua phân, chẳng hạn như khi con người tiếp xúc với trứng giun trong phân và không rửa tay trước khi chế biến thực phẩm hoặc ăn. Ngoài ra giun đũa cũng có thể xâm nhập cơ thể người khi nông dân tưới nước thải lên cây cối. Ngày nay rất ít người ở các nước giàu nhiễm giun đũa, nhưng số người nhiễm giun đũa ở các nước nghèo khá lớn – đặc biệt là những nước gần xích đạo, bởi giun đũa sinh trưởng nhanh trong môi trường ấm và ẩm ướt.

 


Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm