Ngày 8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ mít-tinh hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới tại tỉnh Nam Định.
Phát biểu tại lễ mít-tinh, Thủ tướng cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Khi nguồn tài nguyên và không gian phát triển trên đất liền ngày càng hạn hẹp, việc hướng ra biển, phát triển kinh tế biển là một xu thế lớn trên toàn cầu.
Thủ tướng đặt ra 7 yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ mit-tinh. Ảnh: VPG. |
Thứ nhất là đoàn kết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
“Tôi mong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cùng đóng góp thiết thực bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Chúng ta phải cùng nhau gìn giữ hòa bình trên mỗi ngọn sóng của Biển Đông, là tiền đề để xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ các nước có lợi ích ở Biển Đông có những hành động thiết thực góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường biển.
Việt Nam kiên trì, kiên quyết yêu cầu các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC); tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tiến hành đàm phán thực chất để sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53- 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo.
Thứ tư, huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; tạo thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển.
Thứ năm, Thủ tướng nêu rõ: Bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trực tiếp kiểm tra, rà soát tất cả các dự án trên cả nước có xả thải ra môi trường biển, bảo đảm phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm.
Thứ sáu, chủ động phòng tránh thiên tai, nâng cao hiệu quả công tác dự báo khí tượng thủy văn biển; dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biển đổi khí hậu…
Thứ bảy, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tể về biển và hải đảo một cách thiết thực, hiệu quả trong khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cứu hộ, cứu nạn trên biển, xử lý ô nhiễm môi trường biển xuyên biển giới, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...