Mới đây, công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã mua bản quyền giống thanh long ruột tím màu hồng LĐ 5 của Viện cây ăn quả miền Nam với giá 2 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên một giống cây trồng do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo được thương mại hóa và xác lập bản quyền.
Trong vòng 5 năm qua, đã có hàng chục thương vụ mua bán bản quyền giống cây trồng. Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cũng là doanh nghiệp đầu tiên mua bản quyền giống lúa ở nước ta, với giống lúa BC15 được mua với giá 300 triệu đồng vào năm 2007, đã đem lại cho công ty khoản lợi nhuận kếch xù, lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bình quân mỗi năm, có 5.000-10.000 tấn lúa giống BC15 được tiêu thụ.
Cách đây hơn 3 năm, anh Đoàn Văn Sáu, chủ công ty Cường Tân ở huyện Trực Ninh (Nam Định) bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai nội TH3-3, đã gây sự sửng sốt trong giới nông nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch ngành nông nghiệp Việt Nam, một giống lúa hai dòng 100% "made in Việt Nam" được chuyển nhượng với giá trị cao như vậy, bởi giá chót vót lúc đó mua bản quyền giống lúa lai nội Việt Lai chỉ là 700 triệu đồng.
Một trong những thương vụ mua bán bản quyền giống lúa “nổi đình đám” mới đây là Lúa lai HYT100 được chuyển nhượng với giá 3 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng đã mua bản quyền giống lúa HYT100 của Viện Cây lương thực - cây thực phẩm (FCRI).
Viện nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là một trong những đơn vị có nhiều thương vụ chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng. Đơn cử, hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống ngô nếp lai số 5 cho công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư và giống ngô nếp lai số 9 cho Công ty TNHH giống cây trồng miền Trung có giá trị hàng trăm triệu đồng. Viện này cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng giống ngô LViệt Nam 14 cho Tổng Cty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An với giá 3 tỷ đồng.
Giống cây trồng, chuyển nhượng bản quyền giống cây, bản quyền nông nghiệp, cây trồng, nông nghiệp
Hiện tại, 8 giống ngô lai của Viện Nghiên cứu Ngô, 1 giống lúa của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã được các doanh nghiệp thỏa thuận mua trong thời gian tới. Giá trị thương mại của các giống đã chuyển nhượng đạt 39,78 tỷ đồng (gần 2 triệu USD), trong đó có giống ngô LViệt Nam6 chuyển nhượng cho CHDCND Lào.
Cái giá của chất xám
Những thương vụ chuyển nhượng giống cây trồng có giá hàng tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại với các đơn vị đầu tư là rất lớn, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tới tới thị trường cạnh tranh và chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết trước đây do không được bảo vệ nên giống thanh long ruột đỏ của viện nghiên cứu làm ra không thu về được đồng nào, lại còn bị các nước vô tư lấy giống. Việc mua bản quyền trên là sự đánh dấu bước ngoặt cũng như góp phần tạo thương hiệu cây ăn trái Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, thương vụ giống lúa BC15 đem lại khoản lợi lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng vụ gieo trồng lúa mùa, Tổng công ty sản xuất 4.000 tấn lúa giống BC15, bán hết sạch, nhu cầu tới 10.000 tấn, nhưng không có để bán.
Những giống lúa thương phẩm được chuyển giao công nghệ có giá lên tới hàng chục tỷ đồng. |
Ông Đoàn Văn Sáu, chủ công ty Cường Tân, đơn vị đã mua giống lúa với giá 10 tỷ đồng cho hay, ông đã liên kết với nông dân sản xuất lúa giống trên diện tích trên 300 ha, mỗi năm cho 1.000 tấn hạt lai F1 TH3-3, bán với giá 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 2/3 so với giá giống lúa lai 2 dòng nhập từ Trung Quốc. Cứ mỗi kg hạt giống lúa lai TH3-3 bán ra thị trường, đơn vị này đạt lãi ròng 30 nghìn đồng, mỗi năm bán được 1.000 tấn, thu về lợi nhuận 30 tỷ đồng.
So với các nước trên thế giới, chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng ở Việt Nam vẫn còn tương đối mới mẻ và hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách. Đơn cử, quy định chuyển nhượng thực hiện theo cả Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ nên có độ chênh khi tính toán giá trị hợp đồng. Chuyển nhượng bản quyền giống cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho giống mới có thể tồn tại lâu hơn, diện tích mở rộng nhanh hơn trong sản xuất. Đơn vị bán bản quyền có thêm nguồn vốn để tái đầu tư nghiên cứu khoa học.
Để giống cây tốt nhanh ra sản xuất, chắc chắn cần bàn tay doanh nghiệp, trong đó việc chuyển nhượng bản quyền từ cơ qua nghiên cứu cho doanh nghiệp quản lý sản xuất và phân phối là hướng đi nhanh lại bền vững, cần khuyến khích.