Ở mọi con phố cũ kỹ của bất cứ đô thị nhiều tuổi nào cũng đều mang một giọng điệu riêng. Nó lãng đãng ngân nga lắng đọng ở cảnh, ở vật, và đặc biệt ở người. Nó làm nên một Rô Ma cổ kính, một Luân Đôn huyền ảo, một Ba Lê lãng mạn... những danh địa khét tiếng luôn được coi là những biểu tượng của văn minh nhân loại.
Hà Nội cũng vậy thôi. Với tuổi nghìn năm có lẻ, thì những phố ở Hà Nội miên viễn tự cất giữ cho mình một giọng riêng độc đáo.
Giọng của phố ở Hà Nội sâu lắng nhất là lúc quá nửa đêm, khi ánh trăng chầm chậm rơi qua ánh đèn cao áp thủy ngân tràn xuống mặt nhựa sẫm đen cô đơn lòng phố. Đêm tàn cuối đông, chơi vơi dưới vòm Nhà hát Lớn là văng vẳng bi tráng từng tiếng sóng vỗ của sông Hồng.
Nó là tiếng trống trận hay là tiếng gươm khua, vọng từ lịch sử oai hùng nghìn năm giữ nước của người Việt. Cái giọng ấy đôi khi dịu dàng thăm thẳm thở than lãng mạn qua mặt nước hồ Tây, rồi khe khẽ khắc khoải trong từng tiếng rao đêm, loanh quanh trên những phố nhỏ Hàng Ngang Hàng Đào Hàng Bạc.
Và hình như trên mỗi con phố, người ta lại nghe được mỗi một giọng phố khác nhau. Có điều không hiểu sao, giọng của phố càng ngày càng thầm thì, nó khẽ tới mức tưởng như là mong manh sắp mất.
Bởi giống như nhiều đô thị lớn khác ở ta, Hà Nội giờ đây càng ngày càng ồn. Nhiều người tử tế chậm chạp thường thở dài cho là tốc độ sống bây giờ nhanh quá. Ăn cũng vội, chơi cũng vội, thậm chí yêu và thương cũng vội.
Ví như chăm sóc bố mẹ già ở những cặp vợ chồng dư dật tre trẻ chẳng hạn. Đây là thao tác luôn đòi hỏi một sự thong thả. Thế nhưng ở hầu hết đám con hiếu sẵn tiền, mọi thứ đều trở nên hấp tấp.
Sáng sớm trước khi đi làm, phi như bay ra chợ vội vàng mua cá mua gà mua cao lương mua mỹ vị. Ầm ầm gắt gỏng với con bé bán thịt quen. Rồi hộc tốc quay lại nhà dặn ông dặn bà dặn cả ô sin, rằng lấy cái này nấu với cái này.
Còn cái kia thì hầm với cái kia. Vì trưa nay cơ quan liên hoan không thể về, còn trưa mai đã hẹn nhậu với các bạn. Cả hai cụ nghễnh ngãng đã ngoài tám mươi, nghe câu được câu chăng, mặt mũi tái mét run rẩy như cái hồi chiến tranh phá hoại bị nghe cái còi phòng không báo động có máy bay địch.
Rồi hiếu tử chợt nhìn đồng hồ, be be thét lên đã muộn giờ làm, lại lướt như bay qua các phố. Kệ không biết hôm nay phố vừa bắt đầu vào thu. Mưa phùn mìn mịn làm nắng sớm loang chậm trên lá biếc. Và đâu đó trong một vòm cây sẫm dày, có nghẹn ngào chíu chít tiếng chim hót.
Cách đây chưa lâu lắm, thường thì mỗi khu phố có từng loại chim riêng. Thậm chí như phố Lò Đúc, còn bị gọi là “bang cò ỉa”. Bởi chót vót trên những tán cây cao vút, có hẳn mấy đàn cò bay về làm tổ.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thiếu nữ sống ở phố ấy, khi đang êm đềm đi chơi với người tình, giọng bỗng vô cớ vô thức thất thanh. Chắc là do thói quen hoảng hốt của nhiều hôm tan học, bị cò “ị” tin đúng đỉnh đầu.
Tiếng chim trên phố hôm nay vẫn thỉnh thoảng còn có nhiều, nhưng nhang nhác giống hệt nhau vì đều được nuôi lồng. Vài năm gần đây khi hè đến, quá nhiều đoạn phố còn mất hẳn tiếng ve. Có điều lạ là, bọn trẻ con ở những phố đấy, chơi trò chơi điện tử siêu “cực”.