Mới đây, NXB Giáo Dục Việt Nam đưa ra con số kinh doanh mảng sách giáo khoa (SGK). Những năm gần đây, việc làm SGK khiến đơn vị này lỗ nặng. Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng và năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng.
“Lỗ 40 tỷ đồng - Tôi không tin con số ấy”
Thực tế cho thấy, SGK chiếm thị phần lớn trong ngành sách. Theo số liệu của Cục Xuất bản, năm 2017, toàn ngành làm ra 312 triệu bản sách. Theo Báo cáo Công bố Thông tin gửi Bộ GD&ĐT năm 2017, số lượng SGK in hàng năm giữ ổn định ở mức hơn 100 triệu bản/năm. Như vậy, mảng SGK của NXB Giáo Dục chiếm gần 1/3 thị phần xuất bản.
NXB Giáo Dục Việt Nam khẳng định đã phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng khi làm SGK. Ảnh: Nguyễn Sương |
Nhiều người lập luận NXB Giáo Dục độc quyền làm SGK, độc quyền làm một mảng sách chiếm thị phần lớn như vậy thì khó có chuyện lỗ. “Lỗ 40 tỷ đồng một năm, tôi không tin được con số ấy. Số lượng sách của họ in khủng khiếp” - giám đốc một nhà xuất bản nói.
Vị giám đốc NXB này lập luận: “SGK thường thay đổi nội dung liên tục. Nếu lỗ nhiều như vậy, tại sao họ cứ phải thay đổi nội dung để in mới làm gì? Việc thay đổi, in mới đó rất tốn kém, từ trả nhuận bút cho tác giả, biên tập, tiền giấy, mực, tới công in ấn…”.
Cũng theo vị giám đốc này, đơn vị của ông thường bỏ vốn đầu tư, in những cuốn sách chuyên môn nghiệp vụ theo đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan chủ quản. Lĩnh vực sách này có kết quả kinh doanh tốt, mang lại lợi nhuận.
Theo vị đại diện NXB, nếu các đơn vị được phép làm SGK, thì đơn vị của ông sẵn sàng tham gia mảng thị trường này. Ông nói: “Nếu việc làm SGK được xã hội hóa, một bộ sách được đưa ra đấu thầu, đơn vị nào làm tốt, giá thành rẻ thì trúng thầu, tiến hành làm SGK phục vụ xã hội”.
Bên cạnh những nghi hoặc về việc NXB Giáo dục bù lỗ 40 tỷ đồng làm SGK, nhiều người trong giới xuất bản thận trọng khi đưa ra ý kiến về việc này. Ông Vũ Hoàng Giang - Phó Giám đốc công ty sách Nhã Nam - cho rằng việc lãi hay lỗ của một NXB thì chỉ những người trong đội ngũ đó biết được, người ngoài không thể phán xét.
Theo ông Giang, mảng SGK rất đặc thù. Nếu những đơn vị làm sách kinh doanh như Alpha Books, làm sách kỹ năng như Thái Hà Books… ngày đẹp trời có thể nhảy sang làm sách văn chương được, nhưng khó có thể tự nhiên nhảy sang làm SGK được.
Theo Phó Giám đốc Nhã Nam, làm ra một cuốn sách là câu chuyện dài, có khi bạn khai thác bản thảo hôm nay, năm sau sách mới ra được. Nếu muốn phát triển theo một dòng sách nào đó cũng phải có sự chuẩn bị rất kỹ. “Để làm được SGK cần chuẩn bị đội ngũ chuyên môn cao, tìm hiểu thị trường, xây dựng mọi thứ tương đối dài hơi… Chỉ nguyên về chuyên môn SGK đã quá phức tạp rồi, đó là còn chưa kể nhiều mặt khác nữa”, ông Hoàng Giang nói.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn Học - cho biết đơn vị của ông lâu nay vẫn làm sách văn chương, nên việc làm SGK nhà xuất bản của ông chưa nghĩ tới.
SGK là một thị trường lớn, nhưng không phải đơn vị xuất bản nào cũng sẵn sàng tham gia. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Ông Xuân Minh - Giám đốc bản quyền công ty sách Nhã Nam là người thường xuyên theo dõi các xu hướng xuất bản, thị trường sách quốc tế - cho biết, ở nước ngoài, SGK, giáo trình là một thị trường rộng lớn.
Mỗi trường học có thể sử dụng một bộ giáo trình khác nhau do họ lựa chọn từ các đơn vị xuất bản khác nhau. Sách giáo trình ở nhiều nước thường đẹp, chất lượng in cao và có giá thành đắt.
“Tuy nhiên, ở Việt Nam, nói về thị trường SGK, giáo trình quả là khó. Tôi nghĩ đó vẫn là một thị trường lớn, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Giả sử các đơn vị đều được làm SGK, thì cũng cần có sự chọn lọc”, ông Xuân Minh nói.
NXB Giáo Dục ở thế khó, có thể xảy ra chuyện lỗ
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sách Alpha - nói: “Mặc dù NXB Giáo Dục cũng có lỗi, nhưng tôi hiểu và chia sẻ với họ trong việc làm SGK mà lỗ 40 tỷ đồng. Họ là người trong cuộc, bây giờ họ có nói gì thì cũng rất dễ bị phản ứng. Nhưng sự thật, việc độc quyền trong một thị trường lớn như thế mà vẫn lỗ là chuyện có thể xảy ra”.
Ông Cảnh Bình phân tích, NXB Giáo Dục độc quyền làm SGK, tuy nhiên họ không được phép quyết định giá sách. “Nếu NXB Giáo Dục độc quyền, mà tự họ được phép đưa ra giá bán cho SGK thì họ mới có thể lãi được. Còn nếu Nhà nước kiểm soát giá SGK, cũng giống như việc bình ổn giá xăng dầu, điện… thì vấn đề độc quyền mà vẫn lỗ là chuyện có thật”, ông Cảnh Bình nói.
Đại diện công ty sách Alpha, nêu dẫn chứng: giá giấy năm 2017-2018 tăng khoảng 30% so với trước đây dẫn tới chi phí làm sách tăng cao. Theo lẽ thường, chi phí sản xuất tăng thì giá thành sản phẩm cần phải tăng. Trong khi đó, NXB Giáo Dục lại không thể tự ý tăng giá SGK, tự ý tăng sản phẩm mình làm ra được.
“Nếu nhà nhà được làm SGK, nếu cho Alpha Books nhảy vào làm SGK, mà vẫn bị kiểm soát giá thì quá khó. Vấn đề ở đây là cơ chế quyết định giá”, ông Cảnh Bình nhận định.
Ông Nguyễn Cảnh Bình (đầu tiên bên phải) trong lễ ký kết hợp tác thành lập tủ sách giáo trình về Toán học. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Một vấn đề nữa mà NXB Giáo Dục vấp phải chỉ trích trong thời gian gần đây là việc thay đổi nội dung SGK, thiết kế SGK để học sinh viết vào. Có luồng ý kiến cho rằng khi viết vào thì thế hệ sau không dùng được SGK từ thế hệ trước để lại, điều đó gây lãng phí.
Ông Cảnh Bình cho rằng không nên chỉ nhìn sự việc một chiều rồi “ném đá”. Giả sử làm SGK không được viết vào đó, thì học sinh vẫn phải mua vở viết lại, tốn thêm giấy làm vở, tốn thời gian của thầy trò, chưa tính tới hiệu quả học tập. “Tôi nghĩ nên bình tĩnh, nhìn sự việc ở nhiều chiều, nhiều yếu tố trước khi đưa ra bất cứ phát ngôn, kết luận gì”.
Gần đây, Alpha Books tham gia làm sách giáo trình tham khảo. Bước đầu, đơn vị này hợp tác với GS Ngô Bảo Châu để làm tủ sách toán học, sau mở dần thực hiện sách tham khảo ở nhiều bộ môn Toán, Lý, Sinh học… Ông Cảnh Bình cho biết, việc làm giáo trình này xuất phát từ mong muốn đổi mới tri thức, và Alpha Books cũng nhìn thấy cơ hội phát triển ở lĩnh vực sách nhiều tiềm năng này.