Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ hưởng ứng trào lưu 'chế' ca dao về môi trường

Không chỉ giới trẻ mà nhiều người nổi tiếng cũng nhanh chóng tham gia trào lưu “chế” ca dao, tục ngữ nhằm lan tỏa thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai.

Sau khi phát động, trào lưu được hưởng ứng rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đã lan tỏa thông điệp sáng tạo về bảo vệ môi trường, lồng ghép trong những câu ca dao, tục ngữ quen mà lạ. Đơn cử như câu ca dao “Dạy con từ thuở còn thơ/Giảm nhựa, tái chế, đừng chờ đến mai”, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Nghĩ cho sức khỏe mẹ cha/Xin dùng ít nhựa, cả nhà bớt lo”...

WWF,  giam rac thai nhua anh 1

Ca dao, tục ngữ được “tái chế” kèm những bức tranh cổ động về bảo vệ môi trường. Ảnh: Fanpage WWF - Vietnam.

Góp phần lan tỏa chiến dịch là những gương mặt nổi tiếng như MC Quang Minh, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, Á hậu Hoàng My, nhà báo Ngô Bá Lục... Các bài chia sẻ về cách giảm rác nhựa trong sinh hoạt của những nghệ sĩ, nhà báo này nhận được hàng nghìn lượt tương tác và bình luận hưởng ứng.

Đáng chú ý, trong phần bình luận, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, chia sẻ thói quen sinh hoạt giảm thiểu rác thải nhựa, gợi ý những điểm thu gom và phân loại rác thải trong cộng đồng…

Trào lưu “chế” ca dao, tục ngữ góp phần mang đến sân chơi thú vị và ý nghĩa, nhất là với người tiêu dùng trẻ. Nhờ khai thác chất liệu dân gian quen thuộc, trào lưu này đã lan tỏa thông điệp giảm rác thải nhựa theo cách gần gũi và dễ hiểu. Từ đó, mọi người ý thức hơn trong việc sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

WWF,  giam rac thai nhua anh 2

Nhà báo Trương Anh Ngọc đồng hành cùng chiến dịch của WWF. Ảnh: Trang cá nhân của nhân vật.

Hiện nay, ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống tự nhiên của các loài. Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, đe dọa môi trường sống của sinh vật biển, gây suy thoái các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương.

Đặc biệt, hạt vi nhựa có mặt trong nước, hải sản, không khí có thể vào cơ thể người qua đường ăn uống, hô hấp và gây ra những tác hại tiềm ẩn.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới trong năm 2018, Việt Nam thải ra hơn 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được những người nhặt rác (ve chai, đồng nát) thu gom và các doanh nghiệp nhỏ tái chế.

Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam cho thấy dù nhận thức về tác hại của rác nhựa của người dân được nâng cao, thói quen sử dụng nhựa dùng một lần khi mua sắm cá nhân vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Thông qua chiến dịch “tái chế” ca dao và tục ngữ, dự án muốn truyền tải thông điệp: “Giảm rác thải nhựa là việc cần làm của mỗi người, vì sức khỏe bản thân, người thân và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định điều đó”.

Mỗi cá nhân có thể chủ động giảm rác thải và phòng chống ô nhiễm nhựa theo nguyên tắc 4T: Từ chối không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; tiết giảm nhu cầu tiêu dùng không cần thiết, ưu tiên chọn mặt hàng có bao bì thân thiện môi trường; tái sử dụng đồ nhựa; tái chế để giảm lượng rác thải.

Mộc Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm