NSND Anh Tú, quyền giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đã qua đời vào trưa 20/12 sau thời gian điều trị biến chứng của bệnh tiểu đường, hưởng dương 56 tuổi.
Thông tin nam nghệ sĩ ra đi ở độ tuổi còn sung sức của nghề đạo diễn khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp không khỏi xót xa. Nhiều diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam cùng thay ảnh đại diện màu đen trên trang cá nhân như một lời chia tay "người lái tàu" đáng kính.
NSND Anh Tú, quyền giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, qua đời vào trưa 20/12 sau thời gian điều trị biến chứng của bệnh tiểu đường. Ảnh: Khuê Tú. |
"Xót xa, rất xót xa"
Nhiều nghệ sĩ nghẹn ngào, không biết phải nói gì khi hay tin NSND Anh Tú qua đời. NSƯT Trung Anh cho biết anh đang quay phim ở xa Hà Nội, và cảm thấy "xót xa, rất xót xa" khi đồng nghiệp của mình qua đời.
Trong thời gian Anh Tú nằm viện, Trung Anh và nhiều diễn viên của Nhà hát Kịch đã đến thăm. Anh biết sức khỏe của Anh Tú đã yếu, nhưng sự ra đi quá sớm của đồng nghiệp không khỏi khiến mọi người đau đớn.
NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội" cho biết chị thương Anh Tú rất nhiều, người đã làm việc quên ăn, quên ngủ đến kiệt sức vì "trọng trách nặng nề, áp lực, đau đáu, luôn mong muốn nhà hát trỗi dậy".
Không chỉ đồng nghiệp của Nhà hát Kịch Việt Nam hay Nhà hát Tuổi trẻ, nơi Anh Tú từng công tác, nhiều nghệ sĩ khác cũng bày tỏ sự tiếc thương khi hay tin đạo diễn Romeo và Juliet qua đời.
Trên trang cá nhân, NSND Phạm Nhuệ Giang viết: "Giật mình và nhói lòng vì tin Anh Tú mất, thấy buồn quá, anh vẫn còn trẻ mà không thắng được bệnh tật. Thần chết dã man quá, thương tiếc Anh Tú rất nhiều, mất đi một nghệ sĩ tài năng, chân chính và yêu nghề đến mức coi thường bệnh tật".
Ngoài sân khấu, Anh Tú tham gia nhiều bộ phim truyền hình. |
Trong khi đó, biên kịch Vĩnh Hà của phim Chiều ngang qua phố cũ, phim truyền hình cuối cùng có sự tham gia của NSND Anh Tú, cho biết chị không thể quên được chất giọng ấm, sự nghiêm túc, say nghề và cởi mở của cố nghệ sĩ.
"Một nghệ sĩ tôi yêu quý!
"Tổn thất của nghệ thuật"
Trong cảm nhận của nhiều nghệ sĩ, Anh Tú là người say nghề, hết mình vì nghệ thuật. Anh cũng là đạo diễn của nhiều vở kịch nổi tiếng Lâu đài trên cát, Cạm bẫy, Chuyện chàng dũng sĩ, Truyện Kiều, Romeo và Juliet... Những vở kịch có tiếng vang, thể hiện trình độ của một đạo diễn giỏi tay nghề.
Khi dựng Romeo và Juliet Anh Tú lồng ghép nhiều yếu tố trẻ trung nhằm kéo khán giả trẻ đến với sân khấu. Anh cũng không ngại giao vai nam chính cho diễn viên trẻ nhất của nhà hát là Ngô Minh Hoàng. Trong cảm nhận của Minh Hoàng, NSND Anh Tú luôn là người thầy đáng kính, như người cha thứ 2.
Diễn viên trẻ Ngô Minh Hoàng, học trò của NSND Anh Tú. |
Nữ nghệ sĩ Thu Hường - người từng đóng vai em gái của NSND Anh Tú trong bộ phim Của để dành - chia sẻ: "Anh Tú là một nghệ sĩ giỏi, có tâm với nghề. Tôi rất bất ngờ khi thông tin anh qua đời. Thực sự, tôi hay nhiều đồng nghiệp của anh lúc này đang rất buồn".
NSƯT Minh Hằng chia sẻ xúc động: "Cuộc sống của Tú, cũng đã trọn đam mê và có trách nhiệm với nghề, Tú ra đi, chắc cũng thanh thản, không có gì hối tiếc. Chỉ có người ở lại tiếc, vì một đạo diễn đang hừng hực với nghề như thế, lại sớm ra đi”.
Trong khi đó, Công Lý mô tả sự ra đi của NSND Anh Tú "là sự tổn thất cho nghệ thuật nước nhà".
Nghệ sĩ Anh Tú sinh năm 1962, từng tham gia phim truyền hình Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ, các vở kịch Rừng trúc, Vũ Như Tô, Cuộc đời tôi, Một mối tình...
Anh cũng là đạo diễn của nhiều vở kịch nổi tiếng Lâu đài trên cát, Cạm bẫy, Chuyện chàng dũng sĩ, Truyện Kiều, Romeo và Juliet... Anh Tú được đánh giá là đạo diễn giỏi tay nghề, hết mình vì sân khấu kịch.
Anh Tú được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016. Tháng 4/2018, NSND Anh Tú được bổ nhiệm làm quyền giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.