Các nhà khoa học đã dành nhiều năm để tìm hiểu lý do vì sao một số bài hát có thể khiến người nghe nổi da gà. Hiện tượng này là một phản ứng sinh học khi người nghe bất ngờ vì dự đoán sai các giai điệu trong đầu.
Trên thực tế, phản ứng này thường xuất hiện khi có một loại nhạc cụ đặc biệt chen ngang trong đoạn cao trào của bài hát. Ngoài ra, các nhà khoa học khác còn cho rằng hiện tượng nổi da gà khi nghe nhạc còn xuất phát từ cảm xúc và sự đồng cảm của người nghe.
Danh sách phát chứa hơn 700 bài nhạc có thể khiến người nghe nổi da gà. |
Nghiên cứu của Rémi de Fleurian, một tiến sĩ của phòng thí nghiệm nhận thức âm nhạc tại Đại học Queen Mary cho thấy những bài hát gây ra hiện tượng này thường là những bản nhạc buồn. De Fleurian cùng đồng nghiệp Marcus Pearce, một giảng viên cao cấp về lĩnh vực cảm thụ âm nhạc đã nghiên cứu hiện tượng này qua nhiều tài liệu, khảo sát và tổng hợp được danh sách 700 bài hát gây nổi da gà.
Sau đó, họ so sánh từng bản nhạc trong danh sách với những bài hát cùng thể loại trên ứng dụng Spotify để phân tích các đặc điểm và tâm trạng.
"Các bài nhạc gây nổi da gà thường có giai điệu buồn, chậm và có nhiều nhạc cụ hơn bình thường. Những tác phẩm này rất tinh tế, tạo cho người nghe cảm giác thư giãn, yên bình", các nhà nghiên cứu cho biết.
Quartz đã tạo một danh sách phát trên Spotify chứa hơn 700 bản nhạc có thể gây nổi da gà, tương tự bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Rémi de Fleurian. Danh sách phát này có tên "Songs to give you chills", dài hơn 65 giờ.
"Một số người cho biết họ cảm giác bị nổi da gà, rợn tóc gáy khi nghe một trong những bài hát trong danh sách phát này", Rémi de Fleurian nói.