Các nhà khảo cổ tại Viện Khảo cổ Văn vật tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, kết luận di cốt của người đàn ông trong độ tuổi 60 được tìm thấy tại một ngôi mộ ở tỉnh này cách đây gần 10 năm là của Tào Tháo, theo báo Hua Shang Daily ngày 26/3.
Các chuyên gia cho biết họ khai quật 5 kết cấu lớn của khu lăng mộ được phát hiện vào năm 2009 ở thành phố An Dương, bao gồm đường hào trong và ngoài, đường thần đạo cùng hai công trình kiến trúc ở phía đông và phía nam. Họ nói rằng một lăng mộ lớn như vậy là điều bất thường vào thời Tam Quốc ở Trung Quốc, cho thấy quyền lực của Tào Tháo.
Quá trình khai quật diễn ra từ năm 2016 đến năm 2017, nhưng thông tin vừa mới được công bố gần đây.
Toàn cảnh di tích lăng mộ nhìn từ trên cao. Ảnh: Sina. |
Sử sách nói Tào Tháo mong muốn lăng mộ của mình "không đắp tường, không trồng cây" để tránh bị phát hiện nhưng theo nhà nghiên cứu Chu Lập Cương, người phụ trách chương trình khảo cổ nói trên, con trai của Tào Tháo là Tào Phi đã không nghe lời cha mình. Tào Phi đã cho xây một khu lăng mộ lớn để thể hiện sự tôn kính và lòng hiếu thảo với Tào Tháo.
Song các chuyên gia tin rằng sau đó Tào Phi đã ra lệnh phá hủy những công trình ở trên bề mặt vì sợ rằng mộ của Tào Tháo sẽ bị kẻ thù và bọn đạo chích nhắm đến.
Điều này giải thích cho việc tại sao các chuyên gia không tìm thấy những đống đổ nát lớn tại di tích. "Điều này có nghĩa là việc phá hủy lăng mộ không phải là hành động trả thù mà là việc làm có tính toán", ông Chu nói.
"Nếu công trình bị phá hủy bởi những kẻ thù của Tào Tháo, sẽ có rất nhiều đống đổ nát, nhưng chúng tôi không thấy điều đó tại lăng mộ của Tào Tháo".
Một góc lăng mộ. Ảnh: Sina |
Vị chuyên gia nói rằng Tào Phi có thể đã ra lệnh dọn sạch đống đổ nát sau khi phá hủy.
Những phát hiện mới đã củng cố giả thiết rằng di cốt của người đàn ông được tìm thấy trong phần mộ chính của khu lăng tẩm có thể là Tào Tháo. Một phần mộ nhỏ hơn nằm gần phần mộ chính được cho là của Tào Ngang, con trai đầu của Tào Tháo qua đời khi còn nhỏ, theo chuyên gia Phan Vĩ Bân thuộc viện nghiên cứu trên.
Vị trí lăng mộ Tào Tháo là bí ẩn trong nhiều thế kỷ vì Táo Tháo ra lệnh cấm xây dựng lăng tẩm xa hoa, bao gồm lăng của chính ông.
Song đến năm 2009, các nhà khảo cổ Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện một ngôi mộ mà họ tin là của nơi chôn cất Tào Tháo. Họ tìm thấy một phiến đá lớn được cho là nằm trong ngôi mộ ở làng Tây Cao Huyệt thuộc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, trên đề dòng chữ "Ngụy Vũ Đế" (thụy hiệu của Tào Tháo, được truy tôn sau khi qua đời).
Cơ quan chức năng địa phương tuyên bố điều này đã chứng thực ngôi mộ trên là nơi yên nghỉ của Tào Tháo, dù một số chuyên gia lúc đầu tỏ ra hoài nghi.
Lăng mộ được phát hiện tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Chuyên gia Chu nói rằng giới khảo cổ vẫn đang tiếp tục xác minh thân phận của hai người phụ nữ được tìm thấy trong phần mộ của Tào Tháo.
Theo sử sách, Tào Tháo được chôn cùng vợ của ông, người qua đời ở độ tuổi 70. Tuy nhiên, một trong hai người phụ nữ nói trên ở độ tuổi 50 còn người còn lại ở độ tuổi 20.
Nhà khảo cổ Chu cho biết một bảo tàng đang được xây dựng tại di tích và dự kiến hoàn thành trong 3 năm.
Tào Tháo là nhà chính trị, quân sự nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, và là nhân vật trung tâm trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, một trong "tứ đại danh tác" của văn học Trung Hoa. Hình tượng Táo Tháo đến này vẫn còn là chủ đề tranh cãi khi ông vừa được xem là anh hùng cũng vừa được xem là gian hùng.