Theo South China Morning Post, giới giàu có Hong Kong đang trải qua giai đoạn khó khăn khi nền kinh tế khu vực bị tàn phá nghiêm trọng do hàng loạt khủng hoảng. Trong khi đó, các đồng nghiệp giàu có ở Trung Quốc vẫn phất lên như diều gặp gió.
Theo báo cáo của Hurun Report công bố hôm thứ Hai cho thấy, số lượng triệu phú USD ở Hong Kong trong năm 2019 đã giảm đáng kể khi nơi này rơi vào khủng hoảng do hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra. Đây là khu vực duy nhất của Trung Quốc lọt top 10 nền kinh tế suy giảm trong báo cáo của Hurun.
Đại dịch Covid-19 như một cú đấm bồi khiến nền kinh tế Hong Kong rơi vào suy thoái tồi tệ nhất. Bức tranh ảm đạm của kinh tế khu vực được dự báo khó có thể thay đổi trong thời gian một sớm một chiều.
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Hong Kong vốn đang suy yếu vì làn sóng biểu tình. Ảnh: AFP |
“Triển vọng phục hồi kinh tế của Hong Kong còn mờ mịt, suy thoái vẫn đang diễn ra và sẽ có nhiều người bị sa thải hơn nữa", Alvin Cheung Chi-Wai, phó giám đốc Prudential Brokerage - thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong Limited - nhận định.
“Sự phát triển kinh tế của Hong Kong được thúc đẩy chặt chẽ bởi Trung Quốc. Trong tình hình hiện tại, với việc mở cửa biên giới là khó khả thi, sớm thôi, chúng ta sẽ thấy sự giàu có của người Hong Kong bị ảnh hưởng nặng nề”, Cheung nói.
Thời điểm cuối năm 2019, trước khi Covid-19 ập đến, Hong Kong có 549.000 hộ gia đình sở hữu tài sản ròng ít nhất là 6 triệu NDT (khoảng 930.000 USD), giảm từ 551.000 hộ gia đình vào năm 2018, theo báo cáo của Hurun.
Ngược lại với Hong Kong, thành phố láng giềng Thâm Quyến đã chứng kiến số lượng tỷ phú USD tăng vọt, từ 4.000 lên 174.000 vào cuối năm 2019. Bắc Kinh đứng đầu danh sách với 715.000 gia đình có giá trị tài sản ròng lớn, tăng 11.000 so với năm 2018.
“Những người có tài sản ròng hơn 6 triệu NDT ở Hong Kong bị ảnh hưởng chủ yếu là chủ sở hữu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. Họ là những chủ nhà hàng, quán bar hay trung tâm thể thao phải ngừng hoạt động do khủng hoảng”, Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao của Oxford Economics ở Hong Kong, cho biết.
“Khi sự giàu có của họ giảm dần, tình hình thanh khoản eo hẹp thì hầu hết đều không có đủ tiền mặt để đổ vào chứng khoán. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến tình hình khó khăn hơn”, Wu nói thêm.
Nền kinh tế của Hong Kong bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng bất ổn xã hội và dần bước vào suy thoái trong năm 2019 khi tổng sản phẩm quốc nội giảm 3,2% trong quý 3 và tăng thêm 2,5% vào quý cuối cùng của năm.
Năm 2019, Trung Quốc đại lục có 1,44 triệu hộ gia đình sở hữu tài sản ròng ít nhất 6 triệu NDT. Hurun không đưa ra con số năm 2018.
Nhìn chung, số lượng gia đình giàu có ở Trung Quốc đã đạt kỷ lục vào năm 2019. Họ nắm giữ khối tài sản ròng là 146 nghìn tỷ NDT, gấp 1,5 lần tổng GDP của cả nước. Trong đó khoảng 90% tài sản do các cá nhân ở Trung Quốc đại lục nắm giữ, phần còn lại được chia cho Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan.