Vào năm 1983, cựu CEO kiêm đồng sáng lập Apple, Steve Jobs vì ấn tượng với chiến dịch Pepsi Challenge do chủ tịch PepsiCo, John Sculley dẫn dắt nên đã ngỏ lời mời: “Anh muốn bán nước ngọt cả đời hay cùng tôi thay đổi thế giới?”.
Steve Jobs và John Sculley tại sự kiện ra mắt Apple II năm 1984. Ảnh: CNBC. |
Nhưng chẳng ai ngờ rằng, John Sculley lại đích thân sa thải Steve Jobs vì những bất đồng quan điểm. Sau đó, Steve Jobs đã đầu tư vào xưởng phim Pixar và thành lập công ty máy tính NeXT. Đến năm 1997, Apple mua lại NeXT, mở ra cơ hội mới cho Jobs quay lại Apple và giữ vị trí CEO.
Về sau Apple liên tiếp cho ra những sản phẩm mang tính cách mạng như iMac G3, iMac G4, iPod, iPhone và iPad. Cùng với đó, hệ điều hành di động iOS được xây dựng dựa trên nền tảng của NeXT ngày trước.
Trong thời điểm Jobs rời công ty, Apple đã nghĩ ra ý tưởng sản xuất giày thể thao với logo trái táo và tặng cho nhân viên. Đến nay, một trong những đôi giày đó đã được hãng Heritage Auctions định giá 10.000 USD.
Nếu so với các sản phẩm của Apple hiện tại, đôi giày có giá trị tương đương 6 chiếc iPhone 11 Pro Max 512 GB và một chiếc iPhone 11 256 GB. Ảnh: Phone Arena. |
Đây không phải là lần đầu tiên một đôi giày gắn mác Apple được đem ra bán đấu giá. Vào thập niên 90, Adidas đã từng sản xuất 2 nguyên mẫu giày cho Apple. Đến năm 2017, Heritage Auctions đề ra mức giá khởi điểm 15.000 USD cho một trong 2 nguyên mẫu với ngoại hình nguyên vẹn.
Tuy nhiên, con số ấy vẫn chưa là gì so với đôi Waffle Racing Flat hay còn gọi là "Moon Shoe" - một trong những đôi giày thuộc thế hệ đầu do Nike sản xuất thủ công vào năm 1972 với mức giá kỷ lục 437.500 USD.
Ngoài giày, từng có nhiều kỷ vật của Apple được mang ra bán đấu giá trong quá khứ, bao gồm bản hợp đồng thiết kế Apple II được Steve Jobs ký ngày 25/2/1977 có giá khởi điểm 35.000 USD hay chiếc máy tính Mac đầu tiên của Apple, Macintosh 128K với giá từ 25.000 USD.