Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giày dép Việt 'ùn ùn' vào Mỹ

Thị trường Mỹ đang có xu hướng vượt mặt EU để trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam.

Nhiều nhà đặt hàng Mỹ, Đài Loan... cũng đẩy nhanh việc chuyển đơn đặt hàng, nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đã có không ít doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước bắt kịp xu hướng này để tăng tốc xuất khẩu cho năm sau.

Đơn hàng tăng 60%

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện đã tăng quá mức kiểm soát của doanh nghiệp, do chi phí lao động, tỷ giá biến động liên tục. Nếu so hai yếu tố này, các bạn đang có lợi thế hơn rất nhiều.

Ông Oliver Ng (Giám đốc kinh doanh công ty Ever Rite International, Đài Loan).

Còn hơn một tháng nữa hết năm 2014 nên tại xưởng sản xuất giày của công ty giày Gia Định (TP.HCM), những ngày này nhiều công nhân đang tất bật để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu cuối cùng đã ký.

Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc công ty, cho biết kế hoạch xuất khẩu 3 triệu đôi giày của năm 2014 “cơ bản sắp xong”, trong đó 60-70% sản lượng giày đều được xuất sang thị trường Mỹ.

“Nếu năm trước đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 10% trong kim ngạch xuất khẩu của công ty thì năm nay đã ở mức 60-70%. Từ chỗ chỉ xuất khẩu thăm dò, đến thời điểm này tôi có thể khẳng định Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu trọng tâm của công ty”, ông Trung xác nhận.

Chuyên nhận thực hiện các đơn hàng giày da thời trang cao cấp, các nhà đặt hàng Mỹ hiện đang trả khoảng 30 USD/đôi giày đặt tại Gia Định. “Sau khi trừ các chi phí quản lý và sản xuất thực tế, chúng tôi thực nhận còn lại 12-13 USD/đôi. Mức giá gia công này khá cao nếu so với việc gia công các loại giày cấp thấp khác”, ông Trung chia sẻ.

Sau nhiều năm bám trụ ở thị trường EU, nhiều doanh nghiệp sản xuất giày bắt đầu chuyển hướng sang thị trường Mỹ. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty giày Gia Định.

Sau nhiều năm bám trụ ở thị trường EU, nhiều doanh nghiệp sản xuất giày bắt đầu chuyển hướng sang thị trường Mỹ. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại công ty giày Gia Định.

Không chỉ có đơn hàng tăng, ông Oliver Ng - Giám đốc kinh doanh công ty Ever Rite International (Đài Loan), doanh nghiệp từng đặt nhà máy sản xuất giày tại Indonesia và Trung Quốc, cho hay kể từ tháng 9/2013, công ty của ông đã hoàn tất việc chuyển những dây chuyền sản xuất cuối cùng sang Việt Nam, đưa tổng dây chuyền sản xuất hiện có tại Việt Nam lên 52 chuyền. “Phải mất gần 12 năm chúng tôi mới hoàn tất kế hoạch này, vì đã nhìn ra được sớm đâu là nơi sản xuất lý tưởng thật sự”, ông Oliver Ng khẳng định

TPP có hiệu lực, thuế giày dép vào Mỹ còn 0%

Nếu TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu giày dép từ Việt Nam vào Mỹ ngay lập tức còn 0% so với mức 50% đang áp dụng cho nhiều sản phẩm.

Tuy nhiên, vẫn còn 17-19 chủng loại giày dép thuộc dòng nhạy cảm, mà muốn được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng này phải có 55% hàm lượng giá trị khu vực từ những nước tham gia hiệp định, đồng thời phải sản xuất mũ giày tại chỗ.

Tương tự, ông Scott Thomas - đại diện Công ty Wolverine Worldwide (Mỹ), nhà đặt hàng có tám trung tâm phân phối, doanh số dự kiến đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2014, cho hay trong cơ cấu đặt hàng của công ty đã có sự thay đổi nguồn cung rất ấn tượng.

Năm 2007, Trung Quốc cung ứng 81,7% giày dép cho hãng này, 10% là từ Việt Nam, nhưng hiện tại tỷ lệ đặt hàng từ Trung Quốc chỉ còn 75%, trong khi Việt Nam đã tăng lên được 14,5%.

Kế hoạch chuyển đổi nguồn cung của công ty này còn ấn tượng hơn khi đến năm 2020, “tỷ lệ đặt hàng từ Trung Quốc chỉ còn 33%, trong khi Việt Nam sẽ tăng lên 35%”, ông Scott Thomas nói.

Cơ hội lớn, nhưng không dễ “ăn”

Với một thời gian rất dài, khi nói về xuất khẩu giày dép, thị trường EU luôn chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tuy nhiên đến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu từ EU chỉ còn chiếm 35% (trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,3 tỷ USD mặt hàng giày dép), thay vào đó là thị trường Mỹ nổi lên chiếm tới 33%.

Ông Matt Priest, chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ và phân phối giày dép Mỹ (FDRA), cho hay từ năm 2001 đến nay, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng từ 20-21%/năm. Riêng 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu da giày vào Mỹ đã đạt 2,67 tỷ USD, tăng đến 22% so với cùng kỳ 2013.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép sang Mỹ. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Dự báo nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ sẽ còn ấn tượng hơn nữa. “Một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà đặt hàng Mỹ liên tục chuyển đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là do môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không còn nhiều thuận lợi như trước. Từ chi phí sản xuất tăng vọt, nguồn cung ứng lao động thiếu hụt, cho đến những lợi thế từ các hiệp định thương mại...”, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), nhận xét.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu giày vào thị trường Mỹ, ngoài tuân thủ các quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc đảm bảo an toàn môi trường, hóa chất được sử dụng trong sản phẩm (đặc biệt đối với sản phẩm dành cho trẻ em), các doanh nghiệp phải đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng rất lớn.

Muốn vậy, doanh nghiệp phải có quy mô rất lớn về năng lực sản xuất, với vốn đầu tư lên đến hàng triệu USD cho các khoản đầu tư nhà xưởng, thiết bị, điều mà không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng có thể thực hiện được.

Theo ông Kiệt, để tận dụng được hiệu quả một cách tốt nhất sự dịch chuyển này, ngoài yếu tố từ TPP mang lại, các doanh nghiệp cũng cần tỉnh táo lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp để tập trung phát triển sản xuất, tránh việc chỉ lo phát triển nóng về số lượng.

“Nếu họ chỉ đổ vào Việt Nam những đơn hàng có chủng loại giày dép cấp thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, thậm chí cả lợi thế TPP sắp tới, thì cứ điểm sản xuất mới của doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam chỉ là cái bẫy”, ông Kiệt cảnh báo.

Sự cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam vẫn đang lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nếu chỉ nhận sản xuất đơn hàng cấp thấp, có lẽ cũng không nên “mơ” tới giá trị thặng dư mang lại cho ngành làm gì, ngoài chút tiền gia công bèo bọt đúng nghĩa ở cấp thấp.

Thị trường đồ cũ hàng hiệu kiểu Hermès bùng nổ

RealReal đã đạt doanh thu khoảng 55 triệu USD năm 2013

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141124/giay-dep-viet-un-un-vao-my/675630.html

Theo Trần Vũ Nghi/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm