Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáp mặt những gã đàn ông 'xin đểu' ở bến xe Sài Gòn

Chỉ cần một chút lơ đễnh, ngây thơ bạn sẽ đụng ngay bọn xin đểu ở bến xe.

Có thể nói, nơi công cộng phức tạp nhất chính là bến xe. Chỉ cần một chút mềm lòng, một chút "ngây thơ", thể nào bạn cũng sẽ bị mất tiền oan. Ngoài chuyện bị các xe dù chèo kéo quyết liệt còn bị rất nhiều thành phần trong bến sẵn sàng "xin đểu". Mọi chuyện xảy ra tinh vi và nhanh nhẹn tới mức, lúc họ đòi tiền, bạn vẫn chưa biết điều gì đang xảy ra.

Một cảnh xin đểu tại bến xe Miền Tây (TP.HCM).

Do con dâu mới sinh cháu, sẵn rảnh rỗi công việc nương rẫy, bác Quang, 50 tuổi ở TP.Nha Trang, khăn gói vào Sài Gòn thăm con cháu. Bác gom nào là cá khô, rau củ, mực ong, lá rừng,… để mang theo làm quà biếu.

5h sáng, nhà xe kêu mọi người dậy để chuẩn bị vào bến xe Miền Đông. Vừa buồn ngủ, vừa mệt, bác Quang chật vật xách một đống đồ đi xuống. Vừa bước chân xuống xe, bác đã thấy một người đàn ông tầm 35 tuổi trờ tới hỏi: “Bác về đâu, có đi xe ôm không, sao lớn tuổi rồi mà còn mang nhiều đồ vậy?”.

Thấy người ta quan tâm, bác Quang cũng thành thật trả lời: “Tui vô thăm con cháu. Nhà ở Gò Vấp, nhưng tui không đi xe ôm đâu. Chút nữa con tui sẽ đến đón”. Nghe bác Quang trả lời xong, người đàn ông đó cũng không bỏ đi mà còn xấn lại: “Không sao, để con xách giùm bác. Lần sau đi xa, bác nhớ xách ít đồ thôi”.

Phải luôn cảnh giác với bất cứ sự giúp đỡ nào ở bến xe .

Nghe xong, bác Quang không nghi ngờ gì nên đưa bớt đồ cho người đàn ông đó và còn tự nhủ “mọi người ai cũng nói, ở Sài Gòn chẳng có người tốt, toàn trộm cắp, lừa đảo thôi… hình như không đúng”. Nhưng, vừa ra tới cổng bến xe, ý nghĩ của bác Quang đã thay đổi hoàn toàn khi nghe người thanh niên đó thẻ thọt: “Bác cho con 50.000 đồng để uống cà phê đi. Đồ của bác nặng thật!”.

Sau một phút choáng váng, bác cũng phản ứng: “Chú này lạ, tui có thuê chú xách đồ đâu, đó là chú tự nguyện, tự giác chứ. Với nữa, dù tui có thuê, thì cũng không mắc tới mức đó. Đi có vài chục mét mà?”. Ngay lập tức, sắc mặt của người đàn ông chợt thay đổi và liền quát tháo: “Bác nói cái gì, tôi đâu có ngồi không mà đi xách đồ cho nhà bác. Khôn hồn thì ói tiền ra, đừng bắt tôi phải kêu người khác tới”.

Nhận thấy chung quanh chẳng có ai, nếu có đôi co với bọn chúng, mình cũng chỉ có nước thiệt, bác Quang đành phải bấm bụng móc 50.000 đồng đưa cho người "tốt bụng" đó.

Anh Việt, 40 tuổi, quê Phan Rang vào Sài Gòn mua ít đồ đạc, luôn tiện mang cho đứa em trai cái bàn gỗ mà anh tự tay đóng rất đẹp. Khi xe vừa tới bến, anh liền nhảy xuống, vì sợ nhà xe không cẩn thận khi lấy hàng, sẽ làm rớt mất cái bàn xinh đẹp.

Không đưa đồ cho người lạ xách giùm.

Khi tới lượt chiếc bàn của anh được đưa xuống, anh vội vàng chạy tới đỡ ở phía dưới. Lúc đó, một thanh niên ở đâu tiến tới, cũng đỡ một góc. Nghĩ là người của nhà xe tới giúp, anh Việt vội nhường cho người đó một bên, còn mình đỡ bên còn lại. Chiếc bàn không nặng, cố một chút anh vẫn có thể đỡ được, nhưng nghĩ có giúp vẫn hơn, nên anh cũng mặc kệ.

Tuy nhiên, ngay khi chiếc bàn vừa nằm vững chãi trên mặt đất, người thanh niên đó vội xòe tay ra: “Anh cho em xin vài chục uống nước”. Sau một phút suy nghĩ, anh Việt nhận ra là mình đang đụng bọn xin đểu ở bến xe. Thôi thì "tránh voi chẳng xấu mặt nào", anh vội móc ra 50.000 đồng coi như mình xui xẻo.

Không chỉ trong bến xe, mà ở các nhà xe tên tuổi đàng hoàng cũng xảy ra tình trạng “xin đểu”. Sau vài năm bôn ba ở Sài Gòn, anh Tài quyết định hồi hương về Huế. Vì không thể chuyển hết đồ dùng cũng như chiếc xe máy bằng đường hàng không theo mình, anh đành phải nhờ tới một hãng xe tên tuổi.

Sau khi đã trả tiền cước phí vận chuyển, anh mới mang 2 thùng giấy cùng chiếc xe đến chỗ đóng gói và niêm phong. Sau khi thấy mọi chuyện hoàn tất, anh Tài tính về, thì thấy một nhân viên đóng gói tới nói nhỏ: “Anh cho tụi em mấy chục tiền bồi dưỡng”.

Khó chịu, anh Tài vội hỏi lại: “Tiền gì nữa, tôi đã đóng phí vận chuyển rồi mà. Chẳng phải mấy anh cũng được công ty trả lương sao?”. Không nao núng, nhân viên đó trình bày: “Anh thông cảm, tụi em cũng là kiếm tiền uống nước. Dựa vào lương thôi không đủ anh ơi”.

Mới đầu, anh Tài định sẽ mặc kệ, không cho, nhưng nghĩ lại, nếu mình làm thế chiếc xe sẽ bị “chăm sóc” tận tình, nên dằn lòng lại, móc 50.000 đồng đưa cho nhân viên đó. Sau khi anh về nhà, hỏi mọi người xung quanh, ai cũng nói là khi đi gửi hàng họ đều bị thế. Lúc đầu còn là gợi ý xa xôi, sau này là xin xỏ trắng trợn.

Theo Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm