Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thầy và trò trên cả nước đang trải qua mùa hè đặc biệt. Thời gian kết thúc năm học kéo dài đến ngày 15/7. Thời gian này trùng với thời điểm nắng nóng của mùa hè.
Giáo viên kiến nghị địa phương linh động điều chỉnh kế hoạch dạy học để đảm bảo sức khỏe học sinh trong thời tiết nắng nóng.
Phụ huynh Hà Nội chờ đón con dưới thời tiết nắng nóng 40 độ C. Ảnh: Phương Lâm. |
Không nên dạy học buổi chiều
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết những ngày qua ở Nghệ An có nắng nóng kèm theo gió Lào khiến thời tiết khó chịu. Học sinh và giáo viên vất vả dạy và học tuy nhiên hiệu quả không cao.
Thầy giáo cho rằng với tình trạng nắng nóng trên diện rộng và sẽ liên tục kéo dài trong thời gian tới, việc đi học thêm buổi chiều ở các trường học hiện nay không hiệu quả và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe học sinh.
"Học sinh mầm non, tiểu học đến trường rất cực. Với các trường không nội trú, hơn 11h trưa, cha mẹ trẻ ở trường và hơn 13h chiều lại chở con đi học giữa lúc trời nóng đỉnh điểm", thầy Hiếu nói.
Do đó, giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu kiến nghị sở giáo dục nên chỉ đạo không tổ chức học thêm, học bồi dưỡng vào buổi chiều với các lớp học, kể cả các phòng học có máy điều hòa.
"Các trường chủ động cho học sinh lớp 9, 12 thay đổi kế hoạch dạy buổi chiều để phù hợp với thời tiết. Nhà trường có thể giảm số buổi học trong tuần hoặc điều chỉnh thời gian vào lớp muộn hơn", thầy Hiếu đề xuất.
Tương tự, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên trường THPT Như Xuân (Hà Tĩnh) thông tin với nắng nóng như thiêu như đốt, người lớn cũng không chịu nổi chưa kể đến học sinh.
"Tôi nghĩ trừ lớp 9 và 12 đang cần tăng tốc ôn thi cuối cấp thì tất cả các khối khác nên cấm học bù, học thêm vào buổi chiều, kể cả trường có điều hoà. Ban giám hiệu trường tôi đã quyết định không dạy thể dục và giáo dục quốc phòng ngoài trời, chuyển vào dạy trong nhà để tránh nắng", thầy Hiển cho biết.
Nam giáo viên mong muốn các sở giáo dục hoặc các trường có thể linh động, buổi sáng cho đi học sớm để trưa về sớm. Buổi chiều học sinh vào lớp trễ hơn bình thường.
Nắng nóng đỉnh điểm vào lúc học sinh tan trường tại Hà Nội. Ảnh: Phương Lâm. |
Cắt số tiết trong một buổi
Bà Lan Phương, Hiệu phó một trường THCS tại Hà Nội cho biết những ngày qua trường đã linh động cắt giảm số tiết trong một buổi học, để học sinh được về sớm, tránh khung giờ nắng nóng đỉnh điểm.
“Bộ GD&ĐT cũng cắt giảm chương trình khá nhiều, đến nay có một số môn đã kết thúc chương trình nên trường có thể chủ động rút từ 5 tiết/buổi xuống còn 3-4 tiết/buổi. Thậm chí, chúng tôi còn cho các em vào lớp sớm 15 phút để tan học sớm hơn nữa nhưng do các em không thể dậy quá sớm nên đành giữ nguyên giờ vào lớp”, bà Phương cho hay.
Ngoài ra, trường cũng không tổ chức giờ thể dục hoặc các hoạt động ngoài trường trong thời gian này. Học sinh chỉ học một buổi/ngày, tuyệt đối không dạy thêm, tăng cường buổi chiều.
Chiều 22/5, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn các trường học trên địa bản có những biện pháp điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với điều kiện thời tiết.
Với bậc mầm non, sở này đề nghị các trường điều chỉnh lịch sinh hoạt phù hợp, không cho trẻ vui chơi ngoài trời khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, lắp thêm quạt.
Những trường tiểu học có điều hòa, máy quạt đảm bảo có thể duy trì dạy học 2 buổi/ngày. Những trường không có điều kiện có thể chỉ dạy một buổi/ngày từ thứ hai đến thứ 7.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm cho lớp 6, 7, 8 trong thời tiết nắng nóng.
Riêng học sinh lớp 9 và 12, các trường có thể bàn bạc với phụ huynh, thống nhất kế hoạch ôn tập, rèn luyện cho học sinh để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.