Thế nhưng, gần 3.000 giáo viên hợp đồng chưa thể yên tâm.
Cuối tháng 12/2019, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc yêu cầu quận, huyện, thị xã công khai danh sách giáo viên hợp đồng thuộc đối tượng xét đặc cách theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ, và gửi về Sở Nội vụ trước ngày 7/1.
Đã đứng trên bục giảng, giáo viên nào cũng muốn được gắn bó lâu dài với nghề. Ảnh: Tiền Phong. |
Thiếu một trong hai điều kiện
Hiện tại huyện Ứng Hòa, hơn 240 giáo viên hợp đồng khối tiểu học (93 người) và THCS (149 người) không một ai có tên trong danh sách đủ điều kiện xét đặc cách. Nguyên nhân là thiếu một trong hai điều kiện mà Bộ Nội vụ quy định là có đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, cô T.T.H., một trong số giáo viên hợp đồng của huyện Ứng Hòa, cho biết chỉ khối mầm non của huyện đủ điều kiện vì họ được đóng bảo hiểm xã hội từ lâu.
“Điều này rất thiệt thòi cho chúng tôi vì đi làm với đồng lương ít ỏi, chưa đến 1,5 triệu đồng, không được đóng bảo hiểm. Đến khi thành phố có chủ trương đặc cách thì không giáo viên nào đủ điều kiện. Công bằng nào dành cho hơn 200 con người ở đây?”- cô H. nói.
Cô T.T.H. khẳng định rất nhiều lần các giáo viên hợp đồng đề xuất huyện đóng bảo hiểm xã hội, kể cả việc giáo viên tự bỏ tiền ra đóng, nhưng huyện không đồng ý.
Ngày 1/1, huyện Ứng Hòa thông báo sẽ bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng đến ngày 31/7/2020. Theo cô T.T.H., đây chỉ là hình thức “chữa cháy”, không có ý nghĩa đối với giáo viên trong lần xét tuyển dụng đặc cách sắp tới.
Đến nay tất cả quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã có danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách. Chỉ có huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa với gần 600 giáo viên không được đặc cách vì không có đóng bảo hiểm xã hội.
Điều này được ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa, thừa nhận. “Huyện không đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên hợp đồng, mặc dù thiệt thòi cho các thầy cô nhưng do huyện không có kinh phí”, ông nói.
Không còn chỉ tiêu
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc bổ sung 2.692 chỉ tiêu để xét đặc cách tất cả giáo viên hợp đồng đủ điều kiện theo công văn của Bộ nội vụ. Nhưng con số 2.692 chỉ tiêu có được sử dụng để xét đặc cách hay không thì đó vẫn là một dấu hỏi lớn.
Cô K.T.P., giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ, nói rằng trong hội nghị gặp mặt đội ngũ giáo viên hợp đồng của huyện Phúc Thọ, ông Vương Tá Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện, thông báo chỉ còn 34 chỉ tiêu để xét đặc cách cho 90 giáo viên hợp đồng khối THCS vì kỳ thi tuyển tháng 11 đã lấp gần đủ các vị trí.
“Như ông Hùng nói thì quả thực việc thi tuyển và xét tuyển diễn ra trước đã ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của giáo viên hợp đồng. Hiện tại, những thí sinh trúng tuyển viên chức giáo viên đã về các trường trên địa bàn huyện công tác. Chính vì vậy, giáo viên hợp đồng bị huyện chấm dứt hợp đồng.
Người mất nghề, người thì chuyển sang thỉnh giảng. Nỗi đau đó có ai thấu không? Ở cái tuổi hơn 30, hơn 40, chúng tôi khóc như con nít bởi đó là nhiệt huyết, là tình yêu cả một thời thanh xuân, là sự cay đắng và xót xa cho chính cái nghề cao quý mà mình đã chọn” - cô K.T.P. bộc bạch.
Cô và đồng nghiệp chỉ có một mong muốn UBND thành phố Hà Nội sẽ quan tâm, bổ sung đủ chỉ tiêu để xét đặc cách cho tất cả đội ngũ giáo viên hợp đồng đủ điều kiện theo công văn của Bộ Nội vụ, vì các giáo viên hợp đồng của huyện đều đủ điều kiện theo yêu cầu.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết thành phố vẫn đang rà soát, những trường hợp cụ thể sẽ có phương án riêng.
Cô K.T.P., giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ nói rằng kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của thành phố Hà Nội đã khép lại gần hai tháng nhưng nỗi đau của giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung thì vẫn còn đó, thậm chí còn đau dữ dội hơn.