Chiều 19/10, lực lượng chức năng đã đưa thi thể 3 phi công trên máy bay EC-130 gặp nạn tại núi Dinh (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) về TP.HCM. Các phi công mất tích được xác định là đại úy Dương Lê Minh (giáo viên bay), trung úy Đặng Đình Duy và trung úy Nguyễn Văn Tùng (đều là học viên).
Giáo viên bay Dương Lê Minh là con trai của liệt sĩ Dương Văn Thanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) thời kỳ đổi mới, một tấm gương mà rất nhiều thế hệ thầy và trò Trường Sĩ quan Không quân (đóng tại Nha Trang, Khánh Hòa), không bao giờ quên.
Đại úy Dương Lê Minh (thứ 3 phải qua) trong ngày cha anh được vinh danh. Ảnh: An Bình chụp lại |
Anh hùng tránh thảm họa cho nhiều người
Khi biết ý định tìm hiểu về gia đình đại úy Dương Lê Minh, thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban Tuyên huấn, Trường Sĩ quan Không quân, nói ngay rằng ai chứ gia đình của anh Minh trong trường ai cũng rõ.
Năm 2005, đại úy Dương Lê Minh thi đậu vào Trường Sĩ quan Không quân, cha anh lúc đó đã là thượng tá, cán bộ cấp cao của Trung đoàn không quân 910. Cũng trong năm này cha anh hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ bay.
Lúc các lực lượng chức năng đến hiện trường, trục vớt thân máy bay thì thượng tá Thành tay vẫn còn nắm chặt cần lái.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban Tuyên huấn, Trường Sĩ quan Không quân.
Tốt nghiệp loại xuất sắc, học viên Thanh được giữ lại làm giảng viên bay tại Trung đoàn Không quân 910 - Trường Sĩ quan Không quân.
Trải quan 29 năm phấn đấu, rèn luyện, sĩ quan Dương Văn Thanh lần lượt được bổ nhiệm từ chức vụ giảng viên bay kiêm Biên đội trưởng, Phó Phi đội trưởng, Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Phó Trung đoàn trưởng huấn luyện rồi Trưởng Ban Quân huấn.
Theo lời kể của thiếu tá Sơn, 15h25 ngày 29/4/2005, trong một chuyến bay huấn luyện chiến đấu cùng biên đội, thực hiện nhiệm vụ ở độ cao thấp máy bay của thượng tá Dương Văn Thanh đột ngột chết máy trên không.
Khi gặp sư cố, phi công Thanh gọi báo về sở chỉ huy và được phép nhảy dù. Là người có bản lĩnh, nhiều năm kinh nghiệm và cũng từng xử lý thành công sự cố máy bay bị sự cố trên không nên sau khi giữ tốt trạng tháy máy bay, ông Thanh lệnh cho phi công trẻ buồng lái nhảy dù.
Thời điểm này máy bay đã ở độ cao quá thấp, phía trước là đảo Hòn Tre, có khu du lịch với hàng nghìn du khách, nhân viên. Trong khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, phi công Thanh vẫn bình tĩnh vòng trái để tránh sự nguy hiểm cho du khách và người dân trên đảo.
Máy bay ra khỏi đảo Hòn Tre cũng là lúc độ cao còn lại quá thấp, không đủ điều kiện thực hiện các thao tác thoát hiểm tiếp theo, máy bay đã rơi xuống biển cách khu du lịch trên đảo Hòn Tre chỉ hơn 1km.
"Lúc các lực lượng chức năng đến hiện trường, trục vớt thân máy bay thì thượng tá Thanh tay vẫn còn nắm chặt cần lái”, thiếu tá Sơn kể lại.
Mảnh vỡ của máy bay của thượng tá Dương Văn Thanh gặp nạn còn lưu giữ tại Trường Sĩ quan Không quân. Ảnh: An Bình. |
Quyết theo nghiệp cha
Để ghi nhận sự dũng cảm, hy sinh quên mình của thượng tá Thanh, năm 2007 Chủ tịch nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.
Năm thượng tá Dương Văn Thanh anh dũng hy sinh cũng năm là đứa con trai đầu lòng Dương Lê Minh trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Không quân. Các thầy cô của trường vẫn còn nhớ cậu học trò Dương Lê Minh với nụ cười rất hiền, dáng người cao và ăn nói chững chạc.
Sau khi thượng tá Dương Văn Thanh hy sinh, nhiều người trong đó có cả thầy cô khuyên Minh không theo nghề bay nữa. Nhất là mẹ của Minh, chị Lê Thị Minh Thủy, không đồng ý cho Minh theo nghiệp cha. Nhưng Minh quả quyết mình sẽ là phi công.
“Trong buổi lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng cho cha đại úy Dương Lê Minh tự hứa sẽ noi theo tấm gương cha mình, học tập tốt, rèn luyện tốt để trở thành một phi công giỏi, phục vụ đất nước, nhân dân”, thiếu tá Sơn nhớ lại.
Chiều 19/10, thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tư lệnh Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng), ký các quyết định truy thăng quân hàm từ đại úy lên thiếu tá cho phi công Dương Lê Minh. Hai trung úy Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng cùng được truy thăng quân hàm lên thượng úy.