Theo như chia sẻ của giáo sư Trần Văn Khê, cuốn hồi ký tái bản lần này có thêm những trang viết về giai đoạn mà giáo sư nói vui là “hoàng hôn của cuộc đời” khi trở lại sống ở Việt Nam trong một căn nhà khang trang do Nhà nước cấp. Ngoài ra cuốn hồi ký cũng bổ sung nhiều hình ảnh tư liệu trong đó có những hình ảnh giáo sư Trần Văn Khê với nhạc sĩ Phạm Duy.
Giáo sư Trần Văn Khê ký tặng bạn đọc tại buổi giao lưu. |
Thầy Trần Văn Khê cũng chia sẻ trong quá trình thu âm giọng đọc của chính mình có những lúc bỗng nhiên bị đau nói không ra tiếng, nhưng ông tin rằng độc giả khi nghe những dòng hồi ký qua tiếng nói của ông sẽ cảm động hơn vì có những khi đọc lại ông cảm thấy xúc động thật sự.
Ông nói “ví dụ như lúc người mẹ lâm chung nói những lời cuối, khi đọc đến đó tôi xúc động thật sự, tôi hình dung được mẹ tôi đã khóc như thế nào”. Chính vì vậy giáo sư Trần Văn Khê tin rằng chính sự xúc động đó có thể lay động được khán giả hơn.
Trong buổi giao lưu thầy Khê cũng chân tình chia sẻ về sự tin cậy với một thế hệ kế tiếp sẽ gìn giữ và truyền bá được tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ông xúc động bày tỏ: “Trong khi tôi nói về âm nhạc dân tộc, những cặp mắt học trò của tôi sáng trưng lên. Họ làm được những điều tôi nói. Họ còn đưa những điều tôi truyền đạt vào giảng dạy tại các trường âm nhạc. Điều đó có nghĩa là tre chưa tàn mà măng đã mọc. Thật là một điều may mắn”.
Cuốn Hồi ký Trần Văn Khê được tái bản có bổ sung nhiều tư liệu. |
Có mặt tại buổi giao lưu, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, một trong những học trò của thầy Khê, nói rằng cô đã học được nhiều nhất ở thầy Khê chính là tinh thần xả thân vì âm nhạc dân tộc. “Thầy không chỉ là một người thầy, một sư phụ mà còn là một người cha đã dẫn dắt, chỉ dẫn con đường đi cũng như giải đáp những thắc mắc khó khăn của tôi".
Hải Phượng cũng chia sẻ mình đã thật may mắn khi biết thầy từ khi còn rất nhỏ. Ngoại chị gọi thầy là thầy, mẹ chị gọi thầy là thầy, chị gọi thầy là thầy, đến lượt con gái chị gọi thầy là thầy. Chị cũng kể lại kỷ niệm về câu chuyện năm 1992 khi chị qua Pháp biểu diễn chung với thầy Khê. Lúc đó thầy nói “thầy đã được hòa đàn với mẹ con, giờ được hòa đàn với con, thầy mong sẽ có ngày hòa đàn với con của con”. Thật may mắn điều đó đã thành sự thật khi con gái của Hải Phượng, bé Hải Minh, đã từng có dịp hòa đàn với thầy.
Trong buổi giao lưu, khán giả còn được chứng kiến màn trình diễn xúc động của 3 thầy trò giáo sư Trần Văn Khê, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng và nghệ sĩ đàn kìm Huỳnh Khải trong các tiết mục âm nhạc dân tộc.