Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giáo sư Australia: Nếu dân chủ quan, dịch bệnh có thể bùng lại

Người dân chủ quan và khả năng biến chủng mới xuất hiện là điều khiến giáo sư Catherine Bennett (Đại học Deakin) lo ngại khi Australia mở cửa biên giới, dù tỷ lệ tiêm chủng cao.

rui ro khi mo cua bien gioi anh 1

Trao đổi với Zing, giáo sư Catherine Bennett - chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học tại Đại học Deakin - cho biết bà ủng hộ chính phủ duy trì một vài biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang tại một số nơi, để tránh kịch bản xấu xảy tới khi Australia bắt đầu đón du khách quốc tế.

Trước đó, Thủ hiến bang New South Wales (NSW) của Australia Dominic Perrottet hôm 15/10 thông báo sẽ bãi bỏ biện pháp cách ly - kể cả cách ly tại nhà - đối với tất cả khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ kể từ ngày 1/11, theo South China Morning Post.

Thủ tướng Scott Morrison sau đó đính chính điều này sẽ chỉ áp dụng với công dân và cá nhân thường trú tại Australia, không phải khách du lịch hoặc người có thị thực tạm thời.

Trước kế hoạch trên, chuyên gia từ Đại học Deakin lo ngại người dân thờ ơ với những biện pháp phòng dịch cơ bản, cùng với chủng mới sẽ xuất hiện.

Bà cũng khẳng định đối tượng dễ bị tổn thương vẫn là nhóm cần được ưu tiên tiêm chủng hơn so với trẻ em ở khu vực dân cư đông đúc. Điều này là để "bảo vệ họ và hệ thống y tế", cũng như vì "khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở trẻ em ít hơn" so với người lớn, theo giáo sư Bennett.

rui ro khi mo cua bien gioi anh 2

Người dân Melbourne bang Victoria tận hưởng "ngày tự do" vào hôm 22/10 khi bang đạt mục tiêu tiêm chủng. Ảnh: The Age.

Mối lo ngại chung

Theo một mô hình dự báo đăng trên Tạp chí Y khoa Australia hôm 18/10, nếu Australia mở cửa biên giới, các đợt bùng phát dịch lớn vẫn có thể xảy ra, ngay cả khi hơn 80% người trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.

Tác giả nghiên cứu nói trên là tiến sĩ Mark Hanly từ Trung tâm Nghiên cứu Dữ liệu Y tế thuộc Đại học New South Wales. Mô hình nghiên cứu của nhóm ông Hanly đưa ra các kịch bản xuất hiện một biến chủng tương tự Alpha. Lúc này, việc mở cửa biên giới sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm gia tăng nhanh, ngay cả khi người dân đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Nếu những biến chủng tương tự Delta xuất hiện và lây lan rộng rãi ở Australia, việc mở cửa biên giới có thể làm bùng phát dịch bệnh. Các kịch bản này đặt giả thuyết Australia mỗi ngày tiếp đón 2.500-13.000 khách quốc tế.

“Việc mở biên giới cho du khách quốc tế theo kế hoạch sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tạo điều kiện cho các biến chủng mới của SARS-CoV-2”, dự báo cho biết.

Đồng tình phần nào với kết luận trên, giáo sư Bennett lo ngại các biến chủng mới sẽ xuất hiện khi người dân bắt đầu giao lưu xuyên biên giới.

“Vì vậy, điều quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục xét nghiệm cho khách nước ngoài đến Australia, cũng như các trường hợp ở địa phương để kịp thời biết được biến chủng nào đang lây lan trong cộng đồng”, bà phân tích.

Tuy nhiên, bà cũng khẳng định giới chức Australia sẽ cố gắng ngăn chặn dịch bùng phát trước khi áp đặt các biện pháp mạnh tay. Những biện pháp này sẽ được áp dụng ở cấp địa phương khi cần thiết để kiểm soát nhằm ngăn chặn virus lây lan, theo bà Bennett.

Yếu tố khác biệt trong cuộc chiến chống Covid-19

Giáo sư Bennett đồng tình rằng khi tỷ lệ tiêm chủng đã cao, các biện pháp kiểm soát thông thường sẽ hiệu quả hơn, giúp ngăn chặn các đợt bùng phát mà không cần phong tỏa, “do đó kiểm soát làn sóng dịch từ các biến chủng đang ‘thống trị’ trên thế giới”.

Ngoài ra, chuyên gia dịch tễ học từ Đại học Deakin cho biết bà quan ngại người dân sẽ thả lỏng quá mức, không thực hiện những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cơ bản, như “thực hiện giãn cách hay cẩn trọng khi có khách tới nhà”.

"Đây là điều có thể tạo ra sự khác biệt thực sự trong cuộc chiến chống dịch", bà nhận định.

Bà cũng cảm thấy "may mắn" vì lệnh hạn chế tại Australia dần nới lỏng khi xứ sở chuột túi đang bước sang mùa hè. Mùa hè ở Australia kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2, đó là lúc mọi người bắt đầu tụ tập ngoài trời nhiều hơn.

Do đó, bà Bennett cho rằng với biến chủng Delta, sau khi mở cửa, chính quyền vẫn nên duy trì một số biện pháp kiểm soát bổ sung để tránh làn sóng dịch lớn khi mở cửa trở lại.

“Kế hoạch Quốc gia của Australia bao gồm duy trì một số biện pháp y tế công cộng, như hoạt động xét nghiệm, theo dõi và cách ly để giúp kiểm soát lây nhiễm”, bà cho biết.

Theo đó, khi Australia đạt tới giai đoạn D trong Kế hoạch Quốc gia, nước này sẽ quản lý Covid-19 nhất quán với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác. Biên giới quốc tế được mở cửa, nhưng vẫn cách ly các chuyến du lịch nội địa có rủi ro cao, đồng thời xét nghiệm những khách du lịch chưa tiêm phòng trước và sau khi đến.

“Quá trình chuyển đổi sang sống chung với Covid-19 vẫn sẽ cần áp đặt các quy tắc chung, bao gồm đeo khẩu trang ở những địa điểm nhất định và giới hạn mật độ người ở khu vực dịch vụ”, bà gợi ý.

rui ro khi mo cua bien gioi anh 3

Lệnh cấm di chuyển ra ngoài biên giới kéo dài 18 tháng tại Australia sẽ được dỡ bỏ từ tháng 11. Ảnh: Sky News.

Nguồn cung hạn chế, tiêm cho nhóm nào trước?

Trong thời gian tới, giáo sư Bennett nhận định tiêu chí quan trọng nhất để đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải là “mức độ tiêm chủng và phân bổ vaccine”. Điều này là nhằm đảm bảo không có nhóm đối tượng quy mô lớn nào trong cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tạo điều kiện cho dịch bùng phát nhanh chóng.

Bà Bennett cho hay dù Australia có nguồn cung vaccine hạn chế, chính quyền vẫn luôn tập trung vào những người dễ diễn tiến nặng khi mắc bệnh trước tiên, để bảo vệ họ và giúp hệ thống y tế không bị quá tải.

Với trẻ em, nghiên cứu đăng tải ngày 8/9 của Trung tâm Nghiên cứu Tiêm chủng Quốc gia ở Australia chỉ ra rằng mức độ lây lan giữa nhóm đối tượng này thấp, dù ngày càng nhiều trẻ em mắc Covid-19 hơn. Hầu hết trẻ em trong nghiên cứu được chẩn đoán mắc biến chủng Delta nhẹ hoặc không có triệu chứng, chỉ có 2% cần nhập viện.

“Với lý do đó, có thể ít ưu tiên nhóm đối tượng này” trong chiến dịch tiêm chủng, bà nhận xét.

Không chỉ vậy, bà Bennett nhận định sẽ hợp lý hơn nếu chính quyền bắt đầu tập trung chủng ngừa trước tiên cho nhóm thanh thiếu niên và người trẻ, từ 15 đến 29 tuổi, “những đối tượng có khả năng lây lan virus nhiều hơn”.

Theo số liệu của Bộ Y tế Australia từ đầu đại dịch cho tới ngày 24/10, nước này có số lượng ca mắc Covid-19 ở nhóm 20-29 tuổi nhiều nhất. Lý giải một phần cho xu hướng này, The Coversation cho rằng nhóm dưới 40 tuổi giao lưu ngoài xã hội thường xuyên hơn, trong khi người lớn tuổi hơn có "tấm chắn chắc chắn hơn", như ở nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm.

'Melbourne mở cửa, kế hoạch của tôi là đi uống nguyên ngày'

Người dân tại Melbourne (Australia) đổ xô đến các quán rượu, nhà hàng và tiệm làm tóc ngay trong ngày đầu tiên thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới dỡ bỏ nhiều hạn chế.

Nơi phong tỏa lâu nhất thế giới sẵn sàng mở cửa trở lại

Hàng triệu người ở thành phố Melbourne, Australia sẵn sàng thoát khỏi đợt phong tỏa Covid-19 dài nhất thế giới vào đêm ngày 21/10, sau khi bang Victoria đạt mục tiêu tiêm chủng.

Minh An - Phương Linh

Bạn có thể quan tâm