Cụ thể, Giáo hoàng Francis đã ca ngợi sự kiên cường bám trụ của các bác sĩ và đội ngũ y tế trong bối cảnh đại dịch để cứu sống và chăm sóc bệnh nhân.
Theo giáo hoàng, những người làm trong ngành y tế hiểu rằng "sống một cuộc đời ngắn ngủi để phục sự cộng đồng vẫn tốt hơn sống lâu nhưng lại từ chối sứ mệnh đó".
"Đó là lý do tại sao, ở nhiều quốc gia, người ta thầm tán thưởng các bác sĩ và y tá khi quan sát họ từ bậc thềm hay khung cửa sổ nhà mình", Giáo hoàng Francis viết.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters. |
Ở thái cực ngược lại, người đứng đầu Giáo hội Roma chỉ trích mạnh mẽ những nhóm người phản đối các biện pháp đảm bảo an toàn mùa đại dịch vì cho rằng những quy định này xâm phạm đến quyền tự do cá nhân.
"Hướng đến lợi ích chung không chỉ đơn thuần là phép cộng từ lợi ích của từng cá nhân, mà còn đồng nghĩa với việc tôn trọng mọi công dân và tìm cách hỗ trợ những người kém may mắn nhất", Giáo hoàng Francis nhận định.
Trước đó, một số người tại Mỹ và các quốc gia khác đã xuống đường biểu tình vì cho rằng bộ quy định chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không tụ tập nơi đông người hay hạn chế ra khỏi nhà là vi phạm quyền tự do cá nhân.
Hiện tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 61 triệu với xấp xỉ 1,4 triệu trường hợp tử vong.
Giáo hoàng Francis cũng chia sẻ trải nghiệm phải cắt bỏ một phần phổi vào năm 21 tuổi để nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học trong việc giúp người bệnh phục hồi.
"Khi đổ bệnh vào năm 21 tuổi cũng là thời điểm tôi lần đầu trải nghiệm sự bất lực, nỗi đau và cảm giác cô đơn. Ký ức về cơn bạo bệnh đó đã thay đổi quan điểm của tôi về cuộc sống", Giáo hoàng Francis viết.
"Trong nhiều tháng, tôi mất nhận thức về bản thân. Tôi nhớ mình đã ôm mẹ và nói: 'Hãy báo cho con biết trước nếu con sắp chết nhé'", giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Roma chia sẻ.
Theo lời kể của giáo hoàng, hai y tá tên Cornelia và Micaela đã giúp ông qua khỏi cơn thập tử nhất sinh. Ông nói thêm rằng: "Họ dạy tôi về ứng dụng của khoa học và khi nào thì cần hướng tới những điều xa hơn để đáp ứng các nhu cầu cụ thể. Căn bệnh hiểm nghèo năm đó dạy tôi tin tưởng vào lòng tốt và khả năng của những người xung quanh mình".