Nêu vấn đề tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học", do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 12/10 ở Nghệ An, ông Doãn Hồng Hà - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT - cho rằng thông tin xấu trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ngày càng nhiều, tác động tiêu cực đến quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên.
"Quá trình toàn cầu quá đã đặt ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực cần có những yêu cầu kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp khắt khe hơn", ông Hà nói.
Từ đó, vị này khẳng định công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trở nên cấp thiết.
Phụ huynh ít quan tâm
Ông Bùi Văn Linh - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT - cho biết hiện nay, hầu hết học sinh, sinh viên có nền tảng kiến thức rộng, được trang bị và hiểu biết, thực hành tốt hơn các kỹ năng sống thiết yếu.
Năng lực, ý thức và kỹ năng mềm, kỹ năng sống, nghề nghiệp, khả năng vận dụng kiến thức giải quyết các bài toán thực tiễn của học sinh, sinh viên được nâng cao rõ rệt.
Hội thảo đề cập vấn đề giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp học sinh hình thành nhân cách, kỹ năng mềm, cũng như khả năng tự bảo vệ bản thân. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Tuy nhiên, việc triển khai công tác giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường vẫn còn khó khăn, đã hạn chế hiệu quả của công tác này. Cơ sở vật chất tại các trường học để tổ chức hoạt động câu lạc bộ cho học sinh, sinh viên còn thiếu.
Giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong môn học chủ yếu là phần kiến thức, trong khi cần sự rèn luyện, thể hiện qua hành vi, thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm, câu lạc bộ, tập luyện. Nó đòi hỏi sự hỗ trợ của cơ sở vật chất, kinh phí, tài liệu, học liệu, thời gian.
Đại diện một số sở GD&ĐT cho hay công tác giáo dục kỹ năng sống còn hạn chế do thiếu tài liệu và chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ từ phụ huynh.
“Một số phụ huynh không có nhiều thời gian quan tâm sự thay đổi tâm, sinh lý của con, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục học sinh”, báo cáo từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống chưa được một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức và quan tâm đúng mức. Bà Lê Thị Hồng Anh (Sở GD&ĐT TP.HCM) cho hay sở này đã cấp phép cho hơn 67 công ty, doanh nghiệp theo quy định đủ điều kiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Tuy nhiên, cũng theo bà Anh, công tác triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng do chưa có tài liệu cho giáo viên và học sinh, hay tiêu chí đánh giá chưa cụ thể.
Đề nghị ban hành hệ thống giáo trình, tài liệu
Ông Bùi Văn Linh đánh giá công tác giáo dục kỹ năng sống nâng cao ý thức, năng lực và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Ông Nguyễn Trọng Bé (Sở GD&ĐT Nghệ An) kiến nghị Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế, chính sách riêng để công tác giáo dục kỹ năng sống được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và tăng cường kiểm tra đánh giá hoạt động này ở nhà trường.
Theo bà Lê Thị Hồng Anh, các cơ sở giáo dục cần thông tin rộng rãi đến cha mẹ học sinh ý nghĩa và lợi ích của việc tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động giáo dục kỹ kỹ năng sống.
Đại diện Sở GD&ĐT Cần Thơ gợi ý phụ huynh hỗ trợ kinh phí, phương tiện để nhà trường tổ chức nhiều hình thức giáo dục thông qua quỹ phụ huynh. Các em được tạo điều kiện tham gia chương trình giáo dục kỹ năng sống do nhà trường tổ chức.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đề nghị bộ ban hành hệ thống tài liệu, giáo trình phục vụ giáo dục kỹ năng sống cho các cấp học.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2008, bộ này đã ban hành, phối hợp ban hành và trình cấp thẩm quyền ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn liên quan giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
100% sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng trong các nhà trường, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực tế.
Hầu hết trường đại học, học viện đã ban hành văn bản chỉ đạo theo hướng dẫn của bộ về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được lồng ghép trong các môn học, chương trình giáo dục chính trị, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, các khóa giữa, cuối khóa, các hoạt động ngoại khóa và hoạt động đoàn, hội trong các trường.
Nhờ đó, công tác giáo dục kỹ năng sống có sự chuyển biến tích cực trong các trường ở từng cấp học. Tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT tham gia thực hiện ở mức cao, giúp học sinh nhanh tiến bộ.