"Bị kẹt ở nhà, không thể đến nhà hàng để mua đồ ăn, quá mệt mỏi để nấu bữa tối. Đây là lúc đặt đồ ăn". Đây là điều đã trở thành thói quen của rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thậm chí trước khi dịch Covid-19 bùng nổ từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) rồi lan rộng khắp nước này và thế giới.
Nước này có thị trường dịch vụ giao đồ ăn phát triển nhất thế giới với quy mô hơn 603 tỷ NDT (85,4 tỷ USD) vào năm 2019. Tuy nhiên, ngành công nghiệp giao đồ ăn Trung Quốc chịu tác động rất lớn trong dịch Covid-19.
Theo South China Morning Post, các nền tảng giao hàng chiếm 90% thị trường tại Trung Quốc như Meituan-Dianping và Alibaba Walker Ele, buộc phải "tiến hóa". Nhiều người chọn thực phẩm tươi sống cho các bữa ăn vì sợ bị lây nhiễm, và các công ty phải đổi mới với cách giao hàng không tiếp xúc và các sản phẩm được sơ chế sẵn.
QuestMobile ước tính khoảng 70 triệu người dùng các dịch vụ giao hàng tại Trung Quốc kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2019.
Một nhân viên giao hàng dừng trước một khu chung cư bị phong tỏa tại Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
Thích nghi với dịch bệnh
Ngoài mặt hàng chính là thực phẩm, Meituan và Ele.me mở rộng sang các mặt hàng như sách và mỹ phẩm khi người tiêu dùng Trung Quốc đa dạng hóa thói quen tiêu dùng trong thời điểm cách ly. Đầu tháng 4, Ele.me tuyên bố người tiêu dùng có thể mua điện thoại Huawei thông qua dịch vụ giao hàng.
Trong khi đó, Meituan cung cấp các sản phẩm làm đẹp từ Sephora. Các nền tảng cũng đang chứng kiến sự gia tăng đối tượng khách hàng trung niên và cao tuổi. Meituan cho biết 36% và 31% người dùng mới của ứng dụng giao hàng trong 2 tuần sau khi trở lại làm việc vào cuối tháng 2 là những người ở độ tuổi 50 và 40.
MissFresh - một công ty khởi nghiệp giao hàng có trụ sở tại Bắc Kinh - cho biết người dùng trên 40 tuổi đã tăng 237% từ 23/1 đến 23/2. Li Xiaoying, một cư dân 68 tuổi ở Vũ Hán, chưa bao giờ sử dụng WeChat cho đến tháng 2 năm nay khi toàn bộ thành phố này chịu phong toả.
Bà nói: "Khi tất cả các cửa hàng ở Vũ Hán đóng cửa, mua hàng theo nhóm trên ứng dụng là cách duy nhất để tôi có thể mua rau vào đầu tháng 2. Mỗi người dùng WeChat lúc đó chỉ có thể mua một gói rau 10 NDT", bà Li nhớ lại.
Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc đã sử dụng các nền tảng trực tuyến và dịch vụ giao hàng lần đầu tiên trong dịch Covid-19. Yang Xu - nhà phân tích thuộc hãng Analysis - cho biết: "Đây là cơ hội cho ngành dịch vụ giao hàng để phát triển văn hoá người dùng, giúp nhiều người trải nghiệm dịch vụ hơn".
Một người giao hàng ở Trung Quốc nhận đồ từ nhân viên nhà hàng. Ảnh: Xinhua. |
"Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm liệu đối tượng người dùng cao tuổi có tiếp tục sử dụng dịch vụ sao khi dịch bệnh qua đi hay không", chuyên gia này nói thêm.
Doanh nhân Wang Jun thuộc MissFresh khẳng định: "Người tiêu dùng cao tuổi trước đây thường đến siêu thị để mua đồ đã bắt đầu đặt hàng qua mạng. Còn những người trẻ vốn thường đặt thực phẩm chế biến sẵn cũng bắt đầu chuyển sang mua thực phẩm tươi sống".
Amber Li, một nhân viên 28 tuổi tại Bắc Kinh nói: "Có rất nhiều món ăn được sơ chế sẵn mà bạn có thể mua trên các ứng dụng. Chỉ mất 10 phút để có một bữa ăn ngon miệng".
Doanh nhân Wang tiết lộ: "Theo phân tích, các món ăn được sơ chế sẽ là mặt hàng hot, vì vậy chúng tôi đã hợp tác với các nhà hàng để cung cấp chúng cho khách hàng".
Giải cứu các nhà hàng
Dịch vụ giao hàng thực sự đã góp phần giải cứu các nhà hàng trong thời điểm dịch bệnh lan rộng. Ông Wang Lewu, một chủ nhà hàng Bắc Kinh, nói doanh thu của 39 cơ sở của ông đã giảm 90% so với cùng kỳ vào đầu tháng 2. "Mỗi ngày, chúng tôi mất khoảng 1 triệu NDT. Vì vậy, chúng tôi phải tập trung vào các đơn hàng online", ông Wang nói.
Doanh nhân Wang tung các gói khuyến mãi trên WeChat, Meituan và tham gia vào một nhóm với khoảng một trăm blogger ẩm thực có ảnh hưởng giúp quảng bá trực tuyến. Tình hình khả quan hơn khi doanh thu hàng ngày của hãng tăng 20 lần, đạt mốc 20.000 NDT mỗi chi nhánh nhờ các đơn hàng thông qua WeChat và Meituan.
Nhiều chủ nhà hàng đã noi theo ông Wang. Vào tháng 2, hơn 5.000 cửa hàng lẩu và khoảng 2.600 cửa hàng thịt nướng tham gia nền tảng giao hàng Meituan. Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi này sẽ mang tính bền vững dù Trung Quốc đã tạm kiềm chế được dịch bệnh.
Chuyên gia Yang dự báo khi đại dịch kết thúc, các chủ nhà hàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì dịch vụ giao hàng và bán hàng trực tuyến. Các kênh trực tuyến sẽ trở thành một nền tảng cơ bản và thiết yếu cho họ.
Một xu hướng khác là giao hàng không tiếp xúc để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm từ người giao hàng đến khách hàng. Alibaba ra mắt dịch vụ giao hàng không tiếp xúc tại Hồ Bắc vào cuối tháng 1, bao gồm các nền tảng Ele.me, Freshippo và Tmall Mart và hiện đã được triển khai trên toàn quốc.
Một người giao đồ ăn ngồi đợi khách hàng bên ngoài cổng khu nhà tại Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Đầu tháng 2, gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com cũng tuyên bố sử dụng giao hàng bằng xe không người lái để cung cấp vật tư y tế và đồ ăn cho các bệnh viện và người dân ở thành phố Vũ Hán.
Đầu tháng 1, Meituan triển khai giao hàng bằng xe không người lái tại Bắc Kinh. Vào tháng 2, công ty này lắp đặt 1.000 tủ khóa thông minh, có thể khử trùng hàng hóa bằng tia cực tím trước khi giao. Khách hàng mở tủ an toàn bằng mã QR cung cấp trên ứng dụng. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 200 đơn hàng được giao bằng dịch vụ này.
Liu Bin, nhân viên giao hàng của Ele.me ở Vũ Hán, làm việc liên tục trong 2 tháng qua. Anh giao các đơn hàng tạp hoá từ 9h đến 20h tối ngày, vì tất cả các nhà hàng trong thành phố đều đóng cửa. Trong nhiệt độ lạnh giá tháng 2, Liu mất khá nhiều thời gian để đợi giao mỗi đơn hàng vì nhiều khu cấm người lạ ra vào trong đại dịch.
Đặt sự phát triển công nghệ sang một bên, hàng triệu nhân viên giao hàng như Liu Bin đóng vai trò quyết định với ngành công nghiệp giao hàng. Nhiều người mạo hiểm mạng sống của mình trong dịch Covid-19 để mang nhu yếu phẩm đến cho khách hàng.
"Tôi cũng lo lắng cho vấn đề an toàn của bản thân, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đây là công việc của tôi", Liu nói.