Chiều 18/5, tại cuộc họp báo thông tin về kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, báo chí hỏi Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về việc một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động xét xử vụ án Hồ Duy Hải.
Đây là vụ án vừa được xét xử giám đốc thẩm.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Hội đồng thẩm phán tại phiên giám đốc thẩm đã kết luận và quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm xử phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu vụ Hồ Duy Hải, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: N. Thắng. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Năm 2013, đoàn giám sát tối cao do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát về tình hình oan sai trong áp dụng pháp luật hình sự và báo cáo Quốc hội.
Chánh án TAND tối cao khi đó cũng có báo cáo chi tiết về vụ án Hồ Duy Hải, sau đó các cơ quan đã có xem xét, tuy nhiên, dư luận vẫn ý kiến.
“Để có thời gian xem xét thật toàn diện, khách quan các vấn đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Phúc nói.
Trước đó, chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công bố quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án giết người, cướp tài sản liên quan tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, quê Long An), xảy ra 12 năm trước tại Bưu cục Cầu Voi.
Hội đồng Thẩm phán quyết định không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải đã sát hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi.
Theo cáo buộc, Hồ Duy Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) đặt mua báo nên quen nữ nhân viên tên Hồng. Tối 13/1/2008, Hải đến nơi làm việc của cô này chơi, lúc đó còn có em họ của chị Hồng là Vân.
Ngồi một lúc, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng nên đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Khi người này ra ngoài, Hải kéo chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt. Tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường, Hải đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên bưu điện.
Sợ sự việc bại lộ, Hải phục sẵn rồi tiếp tục giết Vân. Gây án xong, Hải lấy đi 1,4 triệu đồng, 40 SIM điện thoại, lột sạch nữ trang của hai nạn nhân.
Sau đó, TAND tỉnh Long An và tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên Hải án tử hình.
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết căn cứ vào Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Còn nếu Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên họp xem xét.