Giáng Son 'đá xoáy' Thu Minh, Hà Hồ khóc quá nhiều trên 'ghế nóng'
"Tôi ngạc nhiên khi thấy các huấn luyện viên nữ nghẹn ngào, nức nở về các thí sinh như vậy khi bình thường họ vẫn là người có tiếng là mạnh mẽ", nữ nhạc sĩ chia sẻ về các huấn luyện viên trong cuộc thi "The Voice".
Từng ngây thơ tin không có dàn xếp
- Là một nhạc sĩ từng được mời ngồi ở vị trí giám khảo các cuộc thi về âm nhạc, nói thẳng thắn, Giáng Son có nghĩ rằng, nhiều gameshow Việt Nam hiện nay đang được dàn xếp kết quả và sắp đặt kịch bản một cách hoàn hảo?
- Trước đây tôi vẫn ngây thơ tin chẳng bao giờ có sự dàn xếp kết quả trong các gameshow hay cuộc thi. Rồi các câu chuyện của đồng nghiệp, những điều mắt thấy tai nghe đã buộc tôi không thể ngây thơ. Ở Việt Nam, cái gì mới cũng được săn đón nhiệt tình, dù chưa biết được nó tốt hay xấu, hay hay dở. Vì thế, nhiều cuộc thi nghệ thuật không thể tồn tại như một giá trị truyền thống lâu dài. Lý do đơn giản là đến một lúc nào đó, khán giả sẽ thấy nó cũ và bắt đầu chán. Văn hóa "có mới nới cũ" vẫn là một vấn nạn của khán giả Việt Nam. Tất nhiên, cái mới luôn có lợi thế, nhưng chính ý thức nghe, xem hời hợt của khán giả đã vô tình làm hại họ.
Nhạc sĩ Giáng Son. |
- Chị nghĩ gì về "The Voice - Giọng hát Việt", gameshow mới nhất hiện nay đang thu hút dư luận bởi những scandal về mua giải?
- Điều đầu tiên, tôi thấy ở các vòng đầu các thí sinh hát tiếng Anh nhiều quá! Thứ hai là các thí sinh chưa hiểu những nguyên tắc khi sử dụng ca khúc (kể cả dự thi). Họ hồn nhiên hát những ca khúc đang được độc quyền của người khác, không xin phép. Với những ca khúc đã ra đời lâu, có thể không sao, còn một số ca khúc mới ra đời thường có sự độc quyền của một ca sĩ, nhạc sĩ nào. Nếu các bạn không biết thì phải hỏi! Chuyện nhấc máy lên gọi cho tác giả bài hát để xin phép không có gì khó khăn, mất thời gian. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và cho phép họ thể hiện bài hát của mình và có thể không đòi hòi một chi phí nào. Vì vậy, văn hóa ứng xử là điều cần có ở các thí sinh.
- Là người từng ngồi ở vị trí giám khảo, chị đã bao giờ khóc khi nhận xét hay đưa ra quyết định trước thí sinh?
- Tôi chưa bao giờ khóc cả và cũng chưa thấy thí sinh nào có thể làm mình phải khóc. Duy nhất chỉ có Hà Linh của Sao Mai điểm hẹn 2008 làm tôi phải nổi da gà, gai người khi nghe cô ấy hát. Đối với một số diva thế giới, khi nghe họ hát, tôi mới có thể khóc được! Có lẽ tôi đòi hỏi cao quá chăng?
- Chị nghĩ sao về những giọt nước mắt ở "The Voice"?
- Trước hết, tôi phải nói rằng tôi xem The Voice qua tivi nên tôi không rõ không khí thật diễn ra ở sân khấu thế nào? Tôi xem qua tivi thấy chẳng có gì phải khóc. Tôi ngạc nhiên khi thấy các huấn luyện viên nữ nghẹn ngào, nức nở về các thí sinh như vậy khi bình thường họ vẫn là người có tiếng là mạnh mẽ!
Tôi nghĩ có thể giữa huấn luyện viên và thí sinh đã có những tình cảm nhất định khi trải qua một quá trình tập luyện với nhau, nhưng việc khóc lóc trước thí sinh và các khán giả là điều hoàn toàn không nên. Tôi thấy một số thí sinh hát hay, nhưng là so sánh với các thí sinh cùng dự thi trong The Voice. Còn nói hát hay đến mức phát khóc vì xúc động là hơi quá. Các em thật sự vẫn là các thí sinh đi thi, có nghĩa là các em vẫn còn phải trau dồi nhiều thứ mới có thể có phần trình diễn hoàn hảo.
Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và Đàm Vĩnh Hưng trong cuộc thi The Voice. |
- Hiện nay có rất nhiều các ca sĩ trẻ tay ngang vào nghề mà không hề trải qua một trường lớp nào, bỗng chốc thành sao, thành người nổi tiếng chỉ sau một cuộc thi được quảng bá rầm rộ. Chị nghĩ sao về hiện tượng này?
- Nếu như các giám khảo luôn được nhà tổ chức lựa chọn kỹ càng để đảm nhiệm vai trò cầm cân nảy mực, thì thí sinh, với nhiệm vụ thu hút chương trình cũng được tuyển chọn cân nhắc cẩn thận không kém. Không phải đơn giản khán giả thấy rằng bạn này, bạn kia xuất hiện ở cuộc thi này, cuộc thi kia. Tất cả đều có lý do rõ ràng, thậm chí nhà sản xuất sẽ gửi những lời mời trân trọng nhất đến các thí sinh đặc biệt.
Tất nhiên, mỗi một người đều có những lựa chọn về sự trưởng thành, nhưng tôi nghĩ trong âm nhạc, nếu không có một nền tảng bền vững, nghĩa là không được học hành bài bản, con đường của bạn khó có được sự lâu dài. Có thể bạn vẫn nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, nhưng có những điều suốt đời bạn không làm được hoặc có những nốt nhạc mãi mãi bạn không bao giờ có thể chạm đến.
- Càng ngày nghề giám khảo càng thu hút và càng được các nghệ sĩ lớn lấn sân. Tuy nhiên, việc ngồi ghế nóng cũng khiến họ bị mất mát khá nhiều và chịu nhiều búa rìu của dư luận. Theo chị, để xảy ra điều này là do nghệ sĩ của chúng ta còn chưa có những ứng xử đúng mực trước đám đông hay do khán giả khắt khe?
- Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến chuyện của nhạc sĩ Trần Tiến khi ông nhận lời mời tham gia ngồi ghế nóng chương trình Bước nhảy hoàn vũ. Tôi chia sẻ với Trần Tiến vì thực sự câu nói dư luận cho rằng bỗ bã là hoàn toàn bình thường. Ngược lại, sự dí dỏm, hài hước của anh ấy rất phù hợp với một cuộc thi thiên về những chuyển động hình thể, giàu tính giải trí như Bước nhảy hoàn vũ. Đây là trường hợp dư luận đã tỏ ra khắt khe thái quá. Làm giám khảo như làm dâu trăm họ, nhận xét chung chung để không đụng chạm đến ai thì bị cho là nhạt nhẽo. Khi họ chê một chút bị cho là khó tính, ác mồm.
Thực tế, những nghệ sĩ được mời ngồi ghế nóng hầu hết đều là những người thành danh, có chuyên môn trong nghệ thuật và có nhiều người hâm mộ. Tất nhiên không phải ai cũng thành công với vị trí giám khảo. Có người sẽ được yêu hơn, nhưng cũng có người sẽ bị ghét hơn. Trong trường hợp thứ hai, đó cũng là một sự hy sinh mà nghệ sĩ phải gánh chịu.
Theo Người Đưa Tin