Tại Quảng Ninh, ngay sau khi có thông tin về các ca nhiễm mới phát hiện trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo các đội QLTT nắm bắt tình hình giá cả, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh nâng giá bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay, nước sát trùng…
Lực lượng QLTT tăng cường giám sát để tránh tình trạng thu gom, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý đối với các sản phẩm như khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, trong thực thi công vụ, cán bộ, kiểm soát viên cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe bản thân, chủ động trang bị khẩu trang, găng tay chống nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, nơi công cộng. Chủ động áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn “5K” của ngành Y tế nhằm ngăn chặn sự lây dịch bệnh.
Tại Hải Dương, ngày 28/1, Cục QLTT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa.
Cụ thể, trọng tâm là hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết.
Tương tự, Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế cũng như các cửa hàng thiết yếu để tránh tình trạng gom hàng, đẩy giá như tình trạng từng xảy ra trước đó.