Viết cho Zing.vn, Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc VN tăng chất lượng và số lượng các cơ sở giáo dục đại học nếu muốn hướng đến một nền kinh tế tri thức.
Giám đốc WB: Cải cách đại học VN cho nền kinh tế tri thức
Viết cho Zing.vn, Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc VN tăng chất lượng và số lượng các cơ sở giáo dục đại học nếu muốn hướng đến một nền kinh tế tri thức.
Ousmane Dione
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Ousmane Dione có 20 năm kinh nghiệm về các chương trình môi trường, nước và đô thị tại châu Phi, Nam Á, Mỹ Latin, Đông Á và Thái Bình Dương. Trước khi gia nhập WB, ông là giảng viên tại Đại học Lyon 3 tại Pháp, chuyên ngành cơ khí nước và hướng dẫn sinh viên các công trình liên quan đến hạ tầng và việc quản lý tài nguyên nước
Hôm nay, 20/11, học sinh và phụ huynh khắp cả nước cùng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, để tôn vinh các nhà giáo, những người đang góp phần định hình thế hệ tương lai của đất nước. Đây cũng là dịp để chúc mừng thành tựu giáo dục của Việt Nam và suy nghĩ về tương lai.
Lợi ích từ đầu tư cho đại học ở mức cao trên thế giới
Gần đây, tôi được vinh dự cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tại đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thảo luận về đổi mới giáo dục đại học và những kỹ năng cần thiết trong tương lai, những công cụ mở ra hướng đi mới để đất nước tiếp tục phát triển và thịnh vượng.
Ở bậc giáo dục đại học, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Sinh viên theo học đại học tăng gần gấp đôi, từ 900.000 năm 2000 lên 1,7 triệu năm 2017.
Về thu nhập, một sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam sẽ thấy lợi ích từ đầu tư của họ vào giáo dục đại học ngang bằng với mức ở Trung Quốc và cao hơn đáng kể so với trung bình của khu vực. Thực tế, đây là một trong những mức cao nhất thế giới.
Nhưng Việt Nam mong muốn đạt được nhiều hơn thế. Phân tích từ báo cáo Việt Nam 2035 cho thấy trình độ phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay gần tương đương Hàn Quốc cách đây ba thập kỷ. Tương tự những gì Hàn Quốc làm 30 năm qua, Việt Nam hiện nay cần tăng số lượng và chất lượng của các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học.
Cách đây không lâu tôi có đến thăm trường Đại học Thái Nguyên, trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp và nhà máy Samsung tỉnh Thái Nguyên để hiểu rõ hơn các kỹ năng cần thiết cho tương lai và hệ thống giáo dục Việt Nam có thể hỗ trợ như thế nào.
Tỷ lệ sinh viên trên dân số thấp nhất Đông Á
Tôi phát hiện ra một số vấn đề. Trong khi tuyển sinh đại học mở rộng hơn gấp đôi, tỷ lệ sinh viên trên tổng số dân của Việt Nam vẫn thấp nhất Đông Á. Hơn nữa, có ít trường đại học chất lượng cao và có chuyên ngành liên quan để học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn.
Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017-2018, Việt Nam xếp hạng 84/137 quốc gia về chất lượng hệ thống giáo dục đại học, và 79/137 quốc gia về khả năng đổi mới. Chỉ có hai trường đại học Việt Nam nằm trong top 1.000 trên thế giới, so với 39 trường đại học Trung Quốc, trong đó có 6 trường nằm trong top 100.
Trong bài phát biểu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các kỹ năng sinh viên cần được trang bị cho tương lai như tư duy sáng tạo và phản biện, khả năng thích ứng, và khả năng làm việc độc lập và theo nhóm. Để làm được những điều này, ông nói, Học viện phải liên tục cải cách chương trình và phương pháp giảng dạy, cũng như theo đuổi mô hình quản trị tự chủ hơn.
Những ý tưởng này phản ánh một số xu hướng toàn cầu quan trọng nhất ảnh hưởng đến giáo dục đại học ngày nay, cụ thể là quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, quốc tế hóa, công nghệ đột phá, và tài chính bền vững.
Trong 20 năm qua, đã có sự thúc đẩy lớn đối với quyền tự chủ của các trường đại học với trách nhiệm giải trình. Các hệ thống Giáo dục Đại học thành công trên thế giới có xu hướng trao quyền tự chủ cho nhà trường cũng như làm cho các trường này có trách nhiệm hơn.
Việt Nam đang đi đúng hướng về quyền tự chủ, nhưng tiến trình này bị hạn chế về phạm vi và tính nhất quán. Có những khoảng cách giữa hoạch định và thực thi chính sách, chẳng hạn như Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia cần được sửa đổi đáng kể để giải quyết cả khía cạnh đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài.
Sử dụng công nghệ đột phá, trí thông minh nhân tạo
Trong khi xu hướng trao đổi sinh viên, cơ sở đại học ở nước ngoài, hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đồng tác giả với Việt nam đang tăng lên, Việt Nam vẫn ở mức thấp trong các lĩnh vực này, đặc biệt trong nghiên cứu hợp tác và thu hút sinh viên, giảng viên nước ngoài. Để thúc đẩy quốc tế hóa, Việt Nam cần cung cấp một khung pháp lý phù hợp để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các trường Đại học.
Một xu hướng khác là sử dụng công nghệ đột phá. Trên toàn cầu, có 35 triệu sinh viên đã đăng ký học trực tuyến vào năm 2015. Ở những nước có hạn chế về cung cấp dịch vụ đào tạo, như Việt Nam, công cụ này tạo cơ hội thực sự để nhiều người tiếp cận được dịch vụ hơn. Các tổ chức giáo dục đại học cũng bắt đầu sử dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong dạy học và phân tích dữ liệu thích ứng.
Điều này tạo sự linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ học tập cá nhân hay theo nhóm. Giáo dục đại học của Việt Nam có thể tận dụng xu hướng này để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng trong nghiên cứu và giảng dạy.
Về tài chính bền vững, các nước đã kết hợp ba chiến lược để đạt được nhu cầu về cân bằng tài chính: huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực và đa dạng hóa. Đầu tư công của Việt Nam vào giáo dục đại học - ở mức 0,25% thu nhập bình quân đầu người (GDP) và 0,8% tổng chi tiêu của chính phủ - thấp hơn so với giáo dục cơ bản và, trên thực tế, thấp nhất trong các nước cùng mức phát triển.
Đây sẽ là mối quan tâm đặc biệt đối với một quốc gia có mục tiêu trở thành một nền kinh tế tri thức. Vì vậy, Việt Nam có thể áp dụng một số giải pháp, bao gồm lựa chọn chia sẻ chi phí và chuyển sang tài trợ theo công thức, hoặc các hợp đồng dựa trên kết quả. Đây có lẽ cũng là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu các kênh tài chính thông qua một cơ quan tài trợ duy nhất cho giáo dục đại học để giải quyết thách thức hiện nay là đầu tư rời rạc.
Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, được đệ trình để phê chuẩn tại phiên họp Quốc hội trước ngày Nhà giáo Việt nam, là cơ hội tốt để làm rõ một số nguyên tắc này, và đưa Việt Nam tiến lên bậc thang về chất lượng và số lượng các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu.
Giáo dục tiểu học và phổ thông của Việt Nam đã được quốc tế công nhận nhờ tạo ra kết quả cao và công bằng, góp phần vào thứ hạng cao của Việt Nam trong Chỉ số vốn con người được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố gần đây - 48/157 nước - là mức cao nhất của các nước thu nhập trung bình thấp. Chìa khóa cho thịnh vượng trong tương lai của Việt Nam là lan tỏa thành công này đến cấp giáo dục đại học.
Về phần mình, Ngân hàng Thế giới đang cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn và phân tích cho cải cách Giáo dục Đại học ở Việt Nam, như soạn thảo kế hoạch/chiến lược Giáo dục Đại học 2021-2030, và triển khai các cải cách liên quan. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ các nhà giáo thông qua Chương trình Cải cách đào tạo giáo viên, để giáo viên Việt Nam được trang bị tốt nhằm đưa giáo dục Việt Nam lên bậc thang cao hơn.
Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tốt đẹp nhất đến toàn bộ nhà giáo Việt Nam. Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam!
#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.