“Smartphone là ngành công nghiệp rất lớn trên thế giới. Khoảng 4-5 nhà sản xuất lớn trên thế giới nắm hơn một nửa thị trường toàn cầu nhưng 10 năm trước, hầu hết người dùng không biết họ là ai. Hiện tại, chúng ta nghe nhiều đến những thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi. Để Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất di động thế giới như vậy cần 10-15 năm”, ông Thiều Phương Nam chia sẻ.
Cần 10-15 năm
Với cương vị là Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, ông Thiều Phương Nam cho rằng không nên quá vội vàng trong việc đòi hỏi các nhà sản xuất di động trong nước tạo ra sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ quốc tế bởi việc này cần quá trình.
“Nếu để ý, bạn sẽ thấy chiếc Bphone 2 của Bkav tốt hơn thế hệ đầu tiên nhiều. Qua quá trình, các sản phẩm này sẽ tốt dần lên”, ông Nam cho hay. Bản thân ông từng sử dụng cả 2 thế hệ Bphone.
Ông Thiều Phương Nam cho rằng cần thời gian và nguồn lực để những sản phẩm như Bphone cạnh tranh với smartphone nước ngoài. |
Ông này khẳng định phía Qualcomm nhìn thấy rõ xu hướng chuyển dịch những trung tâm công nghệ đầu tiên xuất phát từ Mỹ, đến Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và sắp tới là Việt Nam. Do đó, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. “Hiện tại, Việt Nam đã là một trung tâm sản xuất lớn nhưng về thiết kế lại còn hạn chế. Chúng ta cũng cần thời gian chứ không chỉ năng lực”, ông nhận xét.
Để nắm bắt thời cơ trong CMCN 4.0, phía Qualcomm tin rằng Việt Nam cần vượt qua 2 thử thách. Thứ nhất, chúng ta cần bổ sung kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ di động, ví dụ như thiết kế ăng-ten. Việt Nam chưa có những kỹ sư chuyên sâu trong lĩnh vực này trong khi nhu cầu về ăng-ten ngày càng khó với các thiết bị 4G, 5G. Ông Nam cho rằng, khả năng đưa ra những chiếc điện thoại có thể chụp ảnh tốt cũng là một năng lực đặc biệt và khá mới tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, Qualcomm đánh giá năng lực của các kỹ sư Việt Nam là rất tốt. “Khi làm những thiết bị như smartphone, router 4G, Qualcomm đánh giá kỹ sư Việt Nam rất giỏi. Tôi nghĩ rằng nguồn lực của chúng ta còn thiếu”.
Thách thức thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, theo Qualcomm, là nguồn vốn cho các công ty công nghệ. Đầu tư vào các công ty này có yếu tố rủi ro cao. “Nước ngoài, họ có các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các hãng công nghệ. Việt Nam thì không. Đây là vấn đề chính phủ Việt Nam có thể giúp: cấp vốn ban đầu cho những ý tưởng tốt. Trung Quốc phát triển nhanh như vậy cũng nhờ giai đoạn đầu chính phủ có chính sách hỗ trợ”, ông Nam chia sẻ.
Đại diện Qualcomm khẳng định Việt Nam sẽ là trung tâm công nghệ tiếp theo của thế giới. Ảnh: Thành Duy. |
Ông Nam cũng nhận định, sắp tới IoT sẽ là một cuộc chơi khác, đồng thời là cơ hội cho Việt Nam.
5G sẽ thương mại hóa sớm hơn dự kiến
Ban đầu, các chuyên gia, nhà mạng tin rằng 2020 là thời điểm thích hợp để triển khai 5G nhưng với tình hình hiện tại, phía Qualcomm tin rằng đầu 2019 đã có thể triển khai 5G. Mới đây, phía Qualcomm vừa cho ra bản mẫu của chiếc smartphone dùng kết nối 5G. Trong thử nghiệm mới nhất, chip 5G có thể đạt tốc độ 5-6 Gbps.
Tuy nhiên, 5G sẽ là cuộc chơi của những lĩnh vực như ôtô kết nối (connected car), IoT hay thành phố thông minh. Theo ước tính, đến năm 2035, 5G có thể tạo ra động lực phát triển kinh tế tương đương 12.000 tỷ USD.
Theo ông Thiều Phương Nam, Việt Nam nên chuẩn bị dần cho 5G, không vì triển khai 4G chậm mà làm chậm tiến độ của 5G. Về bản chất, 5G là một lớp khác ở phía trên, không ảnh hưởng đến 3G, 4G phía dưới.