Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc marketing Yamaha mơ bóng đá VN mạnh như Nhật Bản

Vị Giám đốc người Việt tại Yamaha Việt Nam - ông Hoàng Hà tổ chức giải U13 bóng đá học đường nhằm phát hiện những tài năng trẻ để đào tạo ở các tuyến cao hơn.

Ở lần đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản, phóng viên có cơ hội cùng Giám đốc marketing toàn quốc của Yamaha Việt Nam đưa lứa cầu thủ U13 tuyển chọn từ 5 đội mạnh nhất giải Festival U13 bóng đá học đường thi đấu và học hỏi kinh nghiệm các đội trẻ của câu lạc bộ Azul Claro.

Phải khoảng 6 năm liên tục hãng xe Nhật đưa các đội trẻ Việt Nam sang Nhật Bản du đấu, khiến nhiều người băn khoăn về điểm đến là đất nước mặt trời mọc chứ không phải một quốc gia khác. Ông Hoàng Hà ngay lập tức giải đáp thắc mắc: "Nhật Bản là nền bóng đá hàng đầu châu Á và đã vươn tầm thế giới. Giấc mơ của tôi là một ngày không xa được thấy bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp và mạnh như người Nhật".


Ông Hoàng Hà mơ bóng đá Việt Nam sánh ngang Nhật Bản. 

Từng tham gia tài trợ và gắn bó với liên đoàn bóng đá Việt Nam trong nhiều hoạt động, cuối cùng ông Hoàng Hà lựa chọn bóng đá trẻ, cụ thể là giải Festival U13 bóng đá học đường để đầu tư trọng điểm. Kinh phí cho các hoạt động từ tổ chức giải đấu, tập trung huấn luyện đến du đấu nước ngoài không hề nhỏ.

Để có thể duy trì Festival U13 là một hoạt động thường niên, vị giám đốc người Việt đã thuyết phục cấp lãnh đạo cao hơn ký hợp đồng tài trợ dài hạn cho giải đấu, với thời gian ít nhất từ 4 năm trở lên. Hợp đồng này thường được ký trước mỗi lần chuyển giao vị trí cao nhất ở Yamaha Việt Nam. Thế nên, chương trình luôn có tính liên tục và ổn định.

Huấn luyện viên Lưu Danh Minh ấn tượng với một số cầu thủ U13 bóng đá học đường và sẽ tạo cơ hội phát triển những cầu thủ có tố chất và quyết tâm. Ảnh: Hân Nguyễn.

Giải quyết được bài toán chi phí, vị giám đốc sinh năm 1973 phải tự đi tìm cộng sự cho mình để làm công tác tuyển chọn, huấn luyện và thi đấu. Mặc dù công việc là các hoạt động kinh doanh xe máy, tuy nhiên với niềm đam mê bóng đá và chất "hảo hán" khi giao thiệp, ông Hoàng Hà không khó tìm kiếm được những huấn luyện viên trẻ, nhiệt huyết và nổi tiếng ở Việt Nam. Thành phần đưa đội U13 bóng đá học đường sang Nhật Bản lần này có sự góp mặt của cựu tuyển thủ, HLV đội U16 quốc gia - Lưu Danh Minh và cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam, HLV đội trẻ Sông Lam Nghệ An - Nguyễn Huy Hoàng.

Đội tuyển U13 bóng đá học đường Việt Nam du đấu Nhật Bản gồm 15 cầu thủ đến từ 5 trường THCS ở 3 miền đất nước. Các em đều là học sinh, thời gian ngồi trên ghế nhà trường nhiều hơn đá bóng. Chính vì thế, kỹ chiến thuật cũng còn hạn chế so với lứa U13 sang Nhật trước đây hay các cầu thủ U12, U13, U14 học đường ăn tập thường xuyên của câu lạc bộ Azul Claro (Nhật Bản).

Ngày đầu tiên, đội có 2 chiến thắng với tỷ số 3-1 trước U14 Azul Claro và 7-0 trước đội U12 Azul Claro Mist. Mặc dù giành thắng lợi, toàn bộ ban huấn luyện đều không cảm thấy hài lòng. Ở trận đấu với U14 Azul Claro, các cầu thủ U13 bóng đá học đường Việt Nam chơi cá nhân, ham rê dắt. Trong khi đó, trước lứa U12 Azul Claro Mist với nhiều cầu thủ ít tuổi và nhỏ con hơn, các em lại không thể hiện được tinh thân tôn trọng đối thủ. Nhiều thời điểm, một số cầu thủ thi đấu đùa cợt và liên tục bị ban huấn luyện nhắc nhở.

Sự chuyên nghiệp là điều mà các cầu thủ U13 học được sau 2 trận đấu với đội bạn. Các cầu thủ U12 Azul Claro Mist, trong đó có nhiều em chỉ khoảng 10 tuổi, thể hình nhỏ bé hơn so với các cầu thủ U13 Việt Nam nhưng thể hiện kỹ thuật cơ bản tốt với các pha khống chế bóng, qua người, ban bật cũng như nghiêm túc khi thi đấu. Sau trận thua với tỷ số đậm, các cầu thủ nhí của Nhật Bản vẫn ngồi lại sân rất lâu để nghe thầy giáo phân tích, chỉ bảo.

Các cầu thủ U13 bóng đá học đường Việt Nam thi đấu không hề kém cạnh các cầu thủ đồng trang lứa của Nhật Bản. Tuy nhiên, tinh thần chuyên nghiệp là điều các em vẫn cần học hỏi từ đội bạn. Ảnh: Hân Nguyễn.
Các cầu thủ U13 bóng đá học đường Việt Nam thi đấu không hề kém cạnh các cầu thủ đồng trang lứa của Nhật Bản. Tuy nhiên, tinh thần chuyên nghiệp là điều các em vẫn cần học hỏi từ đội bạn. Ảnh: Hân Nguyễn.

Ở ngày thi đấu thứ 2, tuyển U13 Bóng đá học đường gặp U14 Azul Clazo Izu trên sân cỏ thật. Mặc dù thất bại với tỷ số 0-2, ban huấn luyện và những người dự khán đều khá hài lòng về phong cách thi đấu của các cầu thủ. Đội bạn với kỹ thuật, thể hình tốt hơn ép sân gần như cả trận. Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam thi đấu quả cảm, lăn xả. Tiền đạo số 10 Phan Tấn Đạt dù bị thương và ra dấu hiệu xin thay nhưng HLV Lưu Danh Minh vẫn đề nghị em thi đấu tiếp do không có người thay thế. Một số vị trí khác, đặc biệt thủ môn Phạm Xuân Hưng thi đấu xuất sắc, cản phá nhiều pha tấn công nguy hiểm của đối phương. Sau trận các em còn học hỏi tinh thân tôn trọng ban huấn luyện, cầu thủ từ đội bạn khi toàn đội xếp hàng dài chào tạm biệt.

Sau 3 trận đấu trên đất Nhật, các cầu thủ U13 bóng đá học đường Việt Nam phần nào cảm nhận được chất chuyên nghiệp từ các bạn đồng trang lứa của nền bóng đá hàng đầu châu lục. Riêng HLV Lưu Danh Minh, anh cũng tìm thấy được những cầu thủ đầy tố chất để đề xuất tập luyện và thi đấu ở hệ thống giải trẻ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Theo ông Hiroyoshi Yamamoto - Giám đốc điều Hành CLB Azul Claro, nhiều cầu thủ xuất thân từ bóng đá học đường Nhật Bản đang chơi cho các đội tuyển U17 hay U20 của nước này. Ảnh: Hân Nguyễn.

Ông Hiroyoshi Yamamoto - Giám đốc điều hành CLB Azul Claro chia sẻ, các cầu thủ xuất thân từ bóng đá học đường của Nhật Bản, Brazil hay Việt Nam cũng đều giống nhau. Tuy nhiên, với chế độ luyện tập phù hợp, các cấp độ huấn luyện bài bản và HLV tài năng thì nền bóng đá đó đều có thể sản sinh ra được những cầu thủ giỏi. Với nền tảng chương trình bóng đá học đường, sự ủng hộ từ gia đình và nỗ lực từ các em, biết đâu một ngày không xa những cái tên như Lâm Gia Đức, Phan Tấn Đạt, Hà Ngọc Quang Minh, Hà Ngọc Quang Thông hay thủ môn Phạm Xuân Hưng sẽ là những cầu thủ giỏi của bóng đá Việt Nam. Và khi đó, giấc mơ của vị giám đốc sinh năm 1973 và đã làm việc 16 năm cho Yamaha Việt Nam mới trở thành hiện thực.

Hân Nguyễn

Bạn có thể quan tâm